Sáng 18/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long chủ trì cuộc họp bàn công tác giám sát phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc đưa người dân Bình Định gặp khó khăn từ TP.HCM về địa bàn tỉnh để tránh dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Cảng Quy Nhơn
Chuyến bay đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 20/7
Theo UBND tỉnh Bình Định, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp. Số ca lây nhiễm trong cộng đồng từ 27/4/2021 đến nay là 47.343 ca tại 58 tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và địa phương tiếp giáp Bình Định là Phú Yên dịch bệnh tiếp tục tăng nhanh. Riêng tỉnh Bình Định, đến nay đã có 43 ca mắc Covid-19.
Song song với công tác kiểm soát dịch trong địa bàn, vấn đề đưa người dân Bình Định từ vùng dịch, nhất là từ TP.HCM về được lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm. Theo ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, rất nhiều người dân Bình Định ở TP.HCM có nhu cầu về quê để tránh dịch. Thời gian vừa qua, lãnh đạo tỉnh có chủ trương “không ngăn sông cấm chợ”. Tất cả người dân Bình Định từ vùng dịch về đều được tổ chức đón tiếp, xét nghiệm và cách ly theo quy định. Đây là trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh để bà con về tỉnh một cách thuận lợi và an toàn nhất.
Hiện nay, mỗi ngày có từ 150 - 200 người dân từ TP.HCM và các tỉnh miền nam về Bình Định. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Định đã đón hơn 10.000 người dân về lại địa phương. Tất cả đều được kiểm tra y tế, cách ly theo đúng quy định phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Phi Long kiểm tra các điểm tiêm vắc xin ở Hoài Nhơn và Hoài Ân
“Chúng tôi biết rằng, trên địa bàn TP.HCM hiện nay còn rất nhiều bà con Bình Định đang lâm cảnh rất khó khăn do dịch, mất việc làm, không có chỗ ở, không có thu nhập. Với tinh thần hỗ trợ người dân tỉnh nhà đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM cũng như chia sẻ với TP.HCM trong công tác phòng chống dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất chủ trương để đón từ TP.HCM về.
Đồng thời, đã làm việc với Hội đồng hương Bình Định tại TP.HCM lựa chọn các đối tượng thật sự khó khăn, không có chỗ dựa, không có thu nhập, hộ neo đơn để tổ chức đón về Bình Định trong 2 tuần tới. Cụ thể, sẽ thuê máy bay để đón khoảng 1.000 người dân từ TP.HCM về trong đợt này”, ông Nguyễn Phi Long khẳng định.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, chuyến bay đầu tiên đón người dân từ TP.HCM về sẽ được diễn ra vào thứ ba tới (tức ngày 20/7). Khi về đến sân bay Phù Cát, người dân tiếp tục được kiểm tra, xét nghiệm Covid-19 để có phương án cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung cho phù hợp. Các chi phí đi lại, chi phí cách ly sẽ được tỉnh lo, còn việc thuê máy bay, tỉnh sẽ huy động xã hội hóa, không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
“Đây là cách nhanh nhất để đưa người dân đặc biệt khó khăn về tỉnh. Bởi chúng tôi biết, hiện tại bà con trong đó cũng rất mong mỏi được về nhà. Về nhà, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nhưng đỡ bớt khó khăn về chi phí, đồng lòng cùng địa phương chống dịch. Đây cũng là trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh đối với người dân Bình Định đang tha phương làm ăn, cũng là cách chia sẻ bớt gánh nặng với TP.HCM, địa phương đang căng mình chống dịch”, ông Long chia sẻ.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu sớm hoàn thành hỗ trợ 6 nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn
Khẩn trương dập dịch để người dân trở lại cuộc sống bình thường
Đến thời điểm hiện tại, Bình Định cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Trong đợt dịch thứ tư, sau khi ghi nhận những ca mắc bệnh đầu tiên tại TX.Hoài Nhơn, địa phương đã lập tức khoanh vùng, lập các chốt kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến QL. Trong đó, tất cả các chốt đều tiến hành test nhanh Covid-19 để hạn chế dịch bệnh xâm nhập từ phía ngoài vào tỉnh.
Đến nay, tại địa phương qua 14 ngày không lây nhiễm ra cộng đồng, 6 ca mắc Covid-19 đầu tiên sau khi điều trị đã âm tính lần 1. Địa phương cũng đã chuyển từ thực hiện Chỉ thị 16 qua Chỉ thị 15.
Tất cả các ca Covid-19 mới ghi nhận trên địa bàn Bình Định thời gian gần đây là các ca từ TP.HCM về và trên tàu hàng cập cảng Quy Nhơn. Ngay khi xét nghiệm dương tính đều đã đưa đi cách ly theo quy định, không lây lan ra cộng đồng. Đến nay dịch bệnh trên địa bàn cơ bản đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo triển khai hỗ trợ các đối tượng lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo đúng Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có giao cho UBND tỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do).
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chọn ra 6 đối tượng lao động tự do có ảnh hưởng nhiều nhất để hỗ trợ, gồm: Người bán vé số dạo; người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ; người bốc vác trong nhà ga, bến cảng, bến xe, bến tàu, trong các chợ; người chở khách, chở hàng bằng xe mô tô 2, 3 bánh, xe ba gác; người thu gom rác, phế liệu và người làm, tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú (trừ các đối tượng làm việc theo giờ, làm việc bán thời gian). Dự kiến, sẽ có 28 nghìn đối tượng lao động tự do trong toàn tỉnh được hỗ trợ, mỗi đối tượng 1,5 triệu đồng, tổng hỗ trợ toàn tỉnh xấp xỉ 43 tỷ đồng.
"Cùng với việc khẩn trương dập dịch để người dân sớm được trở lại cuộc sống bình thường mới, lãnh đạo tỉnh cũng giao các địa phương sớm hoàn thành hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, ổn định cuộc sống và sản xuất, đưa địa phương phát triển", ông Nguyễn Phi Long nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận