Chiều 12/7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu bước vào phiên thảo luận tổ.
Xe điện hoạt động quá thoải mái
Liên quan đến lĩnh vực du lịch, một số đại biểu kiến nghị kiểm tra xe điện 4 bánh phục vụ du lịch trên địa bàn.
Tổ thảo luận số 1 (Kỳ họp 11, HĐND tỉnh Bình Định Khóa XIII) vào chiều 12/7, đại biểu kiến nghị kiểm tra xe điện du lịch.
Xe điện đang tự do di chuyển trên các tuyến đường không được phép, tranh giành khách... gây mất hình ảnh du lịch trên địa bàn.
Đây là vấn đề tồn tại mà Báo Giao thông đã theo dõi và liên tục phản ánh trong thời gian vừa qua. Hiện tại, trên địa bàn TP Quy Nhơn có 2 đơn vị đang được thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh phục vụ du lịch là Công ty CP Sun taxi tại Bình Định và Chi nhánh Công ty TNHH TM DL Thịnh Hùng tại Quy Nhơn với hàng trăm phương tiện.
Đây là loại phương tiện được thí điểm phục vụ khách du lịch bởi thân thiện với môi trường, góp phần giảm tiếng ồn, giảm khí thải độc hại...
Tuy nhiên, trong thời gian thí điểm, các phương tiện này có quá nhiều vi phạm, gây mất ATGT, ảnh hưởng đến các phương tiện khác khiến người dân bức xúc.
Xe điện 4 bánh phục vụ du lịch trên địa bàn Quy Nhơn vi phạm quy định trong thời gian dài.
Cụ thể, các xe điện của Công ty CP Sun taxi tại Bình Định và Chi nhánh Công ty TNHH TM DL Thịnh Hùng tại Quy Nhơn liên tục vi phạm các lỗi: Chở quá số người quy định, chạy sai tuyến, đậu đỗ không đúng nơi quy định, hoạt động ngoài thời gian cho phép... Các vi phạm này lặp đi lặp lại trong thời gian dài.
Đáng nói hơn, ngay giữa các đợt tổng kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông, các phương tiện này vẫn ngang nhiên vi phạm. Hàng loạt trường hợp bị lập biên bản, xử lý nhưng tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn.
Bình Định cần những dự án lớn
Cũng trong phiên thảo luận chiều nay (12/7), các đại biểu kiến nghị một số vấn đề liên quan đến giao thông. Trong đó, có việc đề nghị xem xét cấp phép mỏ khoáng sản phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn.
Đặc biệt là việc cấp phép mỏ đất để thi công các khu tái định cư, khu cải táng cũng như thi công tuyến chính. Theo các đại biểu, việc mất quá nhiều thời gian cấp phép khai thác mỏ ảnh hưởng đến tiến độ dự án Chính phủ đề ra.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định phát biểu tại kỳ họp
Một vấn đề khác được quan tâm là tìm nguồn thu bền vững cho tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) Bình Định tăng 6,46% so với cùng kỳ (xếp thứ 9/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 2/5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung).
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng, dự báo 6 tháng còn lại của năm 2023, tình hình thế giới và trong nước sẽ tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là những biến động về giá cả, thị trường xuất khẩu... sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của tỉnh, đời sống và thu nhập của người dân.
Trước tình hình đó, HĐND tỉnh phải có những quyết sách phù hợp, đúng đắn.
Thời gian qua, Bình Định kỳ vọng du lịch đóng góp nguồn ngân sách lớn nhưng trên địa bàn chưa có các sản phẩm du lịch thật hấp dẫn níu chân du khách. Do đó cần đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, nhất là du lịch văn hóa và du lịch tâm linh.
Ngoài ra, nguồn thu tiền sử dụng đất 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.791 tỉ đồng, đạt 32,6% dự toán năm, giảm 47,3%. Điều này khiến tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định giảm 23,9% so với cùng kỳ.
Theo các đại biểu, thời gian qua tỉnh Bình Định đã thu hút nhiều dự án đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách và việc làm cho người dân. Tuy nhiên, vẫn thiếu những dự án lớn, có thể tạo động lực và mang lại nguồn thu bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận