Điểm yêu thích của những kẻ ưa xê dịch
5h sáng, chúng tôi chạy xe máy từ TP Hạ Long để đến huyện Bình Liêu, một huyện nghèo vùng biên giới của tỉnh Quảng Ninh nhưng nổi tiếng với những bạn trẻ ưa xê dịch vì những thắng cảnh được ví như “Sapa vùng Đông Bắc” và đồng bào dân tộc hiếu khách. Sau ba tiếng đồng hồ chạy xe với quãng đường hơn 100km, chúng tôi có mặt tại ngã ba huyện Tiên Yên (QL18A), rẽ vào đường 18C lên Bình Liêu. Theo các phượt thủ đi trước, đây mới là điểm bắt đầu dẫn đến vùng đất Bình Liêu đẹp thơ mộng.
Quãng đường hơn 40km chạy vào trung tâm huyện Bình Liêu mang lại cho người lái cảm giác yên bình đến lạ thường của mảnh đất giáp biên giới Trung Quốc. Bình Liêu đẹp tựa bức tranh với con đường nhựa phẳng lì, ngoằn ngoèo, uốn lượn như một dải lụa, hai bên đường là những ngọn đồi cây xanh mướt được phủ lên lớp sương mây trắng ban mai thơ mộng.
Chầm chậm chạy xe máy ngắm cảnh hai bên đường, bạn cũng có thể dừng lại và tạt vào bãi đất rộng ven đường để thỏa thích ngắm nhìn màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng keo, hồi, quế, những thửa ruộng bậc thang, những nếp nhà lợp mái gói âm-dương của người Tày... và săn những bức ảnh đẹp.
Khoảng 9h30, chúng tôi có mặt tại trung tâm thị trấn huyện Bình Liêu. Sau khi tạt vào một quán ăn sáng ven đường lót dạ món cháo thịt củ cải cay ấm nóng của bà chủ quán người dân tộc Tày, chúng tôi đi thăm ngôi đình có tên Lục Nà tại xã Lục Hồn. Trước đây, đình Lục Nà là đình hàng tổng có quy mô lớn nhất trong vùng. Đình có 5 gian, cột gỗ tròn đường kính khoảng 40-50cm, tường xây bằng gạch, mái lợp bằng ngói địa phương còn gọi là ngói âm-dương. Đình Lục Nà được xây dựng để phục vụ sinh hoạt cộng đồng và thờ Thành hoàng làng là người có công đánh giặc giữ nước gắn liền với sự tích cây tre mọc ngược còn lưu truyền trong nhân dân. Nơi đây cũng ghi đậm dấu ấn lịch sử cách mạng của huyện Bình Liêu.
Đó là một địa danh có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số với những lễ hội dân gian nằm ở vùng biên giới Quảng Ninh giáp Trung Quốc.
Thăm cột mốc biên giới 1317 Hoành Mô
Bình Liêu nổi tiếng với Cửa khẩu Hoành Mô. Tại đây, ngoài tham quan khu vực cửa khẩu, chúng tôi còn được đứng trên cột mốc biên giới 1317 Hoành Mô, nơi các chiến sỹ bộ đội biên phòng vẫn ngày đêm canh gác bảo vệ biên cương của đất nước.
Sau khi tham quan cửa khẩu, chúng tôi tới thác Khe Vằn ở xã Húc Động. Tên con thác cũng khó đọc như đường đi với nhiều đoạn gập ghềnh, hiểm trở, Trên đường đi, bạn còn có cơ hội khám phá những suối đá cuội lổn nhổn, thửa ruộng bậc thang và những ngôi nhà cổ của người Tày còn vương khói trắng trên nóc nhà ẩn sau tán cây. Nét đẹp riêng của thác nước Khe Vằn chính là ba tầng nước trắng xóa, mát lạnh chảy từ độ cao gần 100m. Mỗi tầng thác biến đổi liên tục những hình thể khác nhau theo trí tưởng tượng của mỗi người. Ngay dưới chân thác là một quần thể đá với nhiều hình thù tạo nên một cảnh quan độc đáo, hơi nước và luồng gió mát từ khe thác mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu.
Nơi có cảnh quan hùng vĩ nhất núi đồi Bình Liêu là xã Đồng Văn. Ở đây có điểm nhấn “sống lưng khủng long”, cụm từ chỉ sống núi đường lên mốc 1305 biên giới Việt - Trung. Dọc sống núi là những đồi trọc đầy cỏ xanh, thảo nguyên hoa dại, đặc biệt là cây lau trắng mọc ngút lối đi. Việc đi bộ trên “sống lưng khủng long” này đã tạo cảm giác như đi giữa không trung vờn gió và mây đầy kích thích.
Ngất ngây hương sắc hoa sở
Chúng tôi đến với Bình Liêu không chỉ đắm mình trong màu xanh của rừng núi, màu vàng của những ruộng lúa bậc thang, màu nâu của hoa hồi, hoa quế, những trang phục sặc sỡ sắc màu của thiếu nữ các dân tộc mà còn bị mê hoặc bởi màu trắng tinh khôi của bạt ngàn hoa sở.
Đối với đồng bào dân tộc nơi đây, hoa sở là loài cây mang lại giá trị kinh tế và gần gũi với đời sống của bà con. Cây sở thuộc họ chè, nhưng người ta không thu hoạch lá sở mà lấy hạt quả để làm tinh dầu với mùi thơm ngát, dễ chịu như mùi cỏ non. Điểm đặc biệt ở cây sở là cây thích hợp với địa hình sỏi đá và chỉ được trồng ở vùng núi cao Bình Liêu. Vào mùa, những bông hoa trắng nhụy vàng thường nở thành đợt, tạo thành những bức tường hoa, những thảm hoa chen nhau trải dài, phảng phất hương thơm dịu. Đứng trên những ngọn đồi cao nhìn xuống, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một cánh rừng toàn hoa trắng trải dài tít tận chân trời. Bởi vậy, đặc trưng của Bình Liêu chính là loài hoa sở trắng ngần, tinh khôi.
Hoa sở trắng ngần, tinh khôi và dịu thơm thu hút khách du lịch |
Chính vì vẻ đẹp riêng biệt, hiếm có của hoa sở miền sơn cước nên huyện Bình Liêu đã quyết định tổ chức lễ hội hoa sở hàng năm. Được biết, đến với lễ hội hoa sở, bạn không chỉ được hòa mình trong cảnh sắc thiên nhiên núi rừng, nhất là những cánh đồng hoa trắng ngần, dịu thơm mà còn được trải nghiệm không gian văn hóa các dân tộc của huyện, được chiêm ngưỡng các bộ trang phục truyền thống các dân tộc, được hòa mình với các màn múa, hát của đồng bào dân tộc, tham dự các trò chơi dân gian như ném còn, giã gạo, các môn thể thao dân tộc như đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ...
“Sống lưng khủng long” trên núi rừng Bình Liêu. |
Hội hoa Sở năm 2016 sẽ được tổ chức từ ngày 10-11/12/2016, tại bốn điểm: Bản Sông Moóc A (xã Đồng Văn), Thác Khe Vằn (xã Húc Động), Đình Lục Nà (xã Lục Hồn) và chính thức khai mạc lúc 9h ngày 10/12/2016 tại rừng Sở (thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu). |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận