Binh sĩ Travis King đã về đến Mỹ
Hãng tin CNN dẫn lời quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chuyến bay của quân đội Mỹ chở binh sĩ Travis King đã hạ cánh xuống Kelly Field, căn cứ Joint Base San Antonio-Fort Sam Houston, bang Texas vào ngày 28/9.
Hãng tin CNN quay được đoạn video cho thấy một nhóm người dẫn binh sĩ King xuống máy bay. Đoàn người gặp một nhóm quan chức Mỹ đang đứng đợi trên đường băng.
Sau đó, binh sĩ King được dẫn tới một khu vực khác tại căn cứ quân sự.
Theo hãng tin Reuters, binh sĩ King sẽ trải qua quá trình kiểm tra y tế tại Trung tâm Y tế quân đội Brooke - bệnh viện nằm trong căn cứ Joint Base San Antonio-Fort Sam Houston. Sau đó, King sẽ trải qua quá trình phục hồi trước khi quay trở về với gia đình.
Theo Reuters, hiện chưa rõ liệu King có đối mặt với các hình thức kỷ luật của quân đội Mỹ hay không.
Trước đó, vào ngày 18/7, King vượt biên từ Hàn Quốc sang Triều Tiên khi đang tham gia chuyến tham quan Khu An ninh Chung (JSA) ở biên giới liên Triều. Trước đó, King vừa ra tù tại Hàn Quốc do phạm tội hành hung và phá hoại tài sản công cộng, phá hoại xe cảnh sát. King vượt biên vào Triều Tiên khi chuẩn bị bị dẫn giải về Mỹ để chịu hình thức kỷ luật bổ sung.
Kết quả của nhiều tuần ngoại giao căng thẳng
Ngày 27/9, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết “Triều Tiên quyết định trục xuất Travis King, binh sĩ Mỹ đã xâm phạm trái phép lãnh thổ Triều Tiên”.
Theo hãng thông tấn nhà nước của Triều Tiên, King khai với giới chức Bình Nhưỡng rằng quyết định vượt biên vào Triều Tiên do “vỡ mộng trước thực trạng bất bình đẳng trong xã hội Mỹ”.
Theo hãng tin Reuters, phái đoàn Thụy Điển tại Triều Tiên đã tiếp nhận binh sĩ King rồi đưa anh ta tới cầu Hữu nghị tại biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Ở đầu cầu bên phía Trung Quốc, Tùy viên quốc phòng Mỹ tại Trung Quốc - Chuẩn tướng Patrick Teague và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns đã đón King.
Sau đó, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, King đã được đưa tới thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc rồi tới căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc để khởi hành trở về Mỹ.
Theo hãng tin CNN, việc Bình Nhưỡng quyết định trục xuất binh sĩ King đánh dấu thành công hiếm hoi về mặt ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên vào thời điểm quan hệ giữa hai nước có nhiều căng thẳng.
Đây là kết quả của nhiều tuần nỗ lực hoạt động ngoại giao căng thẳng với sự tham gia của nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc - bên hỗ trợ quá trình bàn giao binh sĩ King tại biên giới vào ngày 27/9 và Thụy Điển - bên đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Triều Tiên bởi Washington không có cơ quan đại diện ngoại giao tại Triều Tiên.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh Washington không thực hiện bất cứ thỏa thuận nhượng bộ nào với Bình Nhưỡng để đổi lại việc Triều Tiên thả binh sĩ King.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận