Đường bộ

Bình Thuận: Cầu 11 tỷ đồng làm 9 năm vẫn chưa xong

28/09/2023, 10:16

Cầu Bình Liêm bắc qua sông Lũy (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) được khởi công xây dựng năm 2014 từ nguồn vốn xã hội hóa.

Ngày khởi công rầm rộ, người dân khấp khởi vui mừng. Thế nhưng công trình bị bỏ hoang đã nhiều năm.

Dân trông ngóng

photo-1695662460230

Cầu Bình Liêm bắc qua sông Lũy thi công từ tháng 12/2014 tới nay chưa hoàn thành.

Tháng 12/2014, cầu Bình Liêm chính thức khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2016. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV ngày 21/9, trên công trường cho thấy, nhiều hạng mục đang xuống cấp. 

Dưới sông 5 trụ cầu đứng sừng sững, rêu phủ bám các trụ cầu do phơi nắng, phơi mưa nhiều năm. Phần đường dẫn hướng ra quốc lộ 1, cỏ dại mọc um tùm trở thành nơi chăn bò của người dân trong khu vực.

Chỉ tay về phía các trụ cầu, anh Quốc Bảo, ngụ xã Phan Rí Thành cho biết, nhìn cây cầu gần 10 năm làm chưa xong người dân rất bức xúc. Bởi đối với nhiều người dân trong vùng, đây là cây cầu mơ ước, sau khi thông xe sẽ nối trực tiếp trung tâm xã và thị trấn Chợ Lầu.

Hiện tại, người dân đi làm rẫy phải qua đò để qua sông, mùa mưa nước lũ chảy xiết rất nguy hiểm. Đến mùa thu hoạch nông sản, xe tải, xe máy cày phải chạy vòng khoảng 10km qua xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong) để ra quốc lộ 1 đưa hàng về chợ và thị trấn tiêu thụ.

"Vừa qua, người dân như mở cờ trong bụng khi thấy đoàn công tác xuống khảo sát, đo đạc lại hiện trạng ở khu vực này. Mong rằng cây cầu sớm được thi công lại, thông xe để bà con đi lại đỡ vất vả hơn và tránh lãng phí…", anh Bảo nói.

Theo người dân phản ánh, hoàn thiện cây cầu khiến việc đi lại sẽ thoát cảnh đò ngang cách trở, tạo thuận lợi cho bà con canh tác, sản xuất của hàng trăm hộ dân trong vùng.

Ngoài ra, bên kia sông là khu nghĩa địa chung của hai xã Phan Rí Thành, Phan Hòa. Vào mùa thu hoạch nông sản hay dịp lễ, Tết người dân đi tảo mộ phải qua đò ngang rất nguy hiểm khi nước lũ dâng cao.

Sẽ thông xe trước Tết Âm lịch 2024?

Theo UBND huyện Bắc Bình, dự án cầu Bình Liêm qua sông Lũy có tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Trong đó nhà tài trợ đóng góp 50%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%. Công ty TNHH MTV Xây dựng cầu đường Hoa Sen là nhà tài trợ đóng góp vốn 50% và chịu trách nhiệm thi công. Huyện đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong năm 2014.

Lý giải về tiến độ bị chậm trễ, kéo dài nhiều năm qua, lãnh đạo UBND huyện Bắc Bình cho rằng có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng chủ yếu là do nhà thầu thi công chưa đáp ứng đủ năng lực thực hiện dự án.

Dù UBND huyện đã làm việc nhiều lần với nhà thầu và gia hạn thời gian thi công nhưng nhà thầu vẫn không thực hiện theo cam kết dẫn đến thi công trì trệ. Đến nay, khối lượng chỉ đạt khoảng 30% so với hợp đồng đã ký rồi ngưng thi công đến nay.

Để xử lý việc nhà thầu thi công chậm tiến độ, kéo dài, tháng 7/2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản thống nhất chấm dứt hợp đồng với đơn vị thi công. Đồng thời, lựa chọn nhà thầu mới, bố trí vốn để tiếp tục triển khai thi công nhằm sớm hoàn thành công trình này.

Ông Nguyễn Mậu Hầu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng UBND huyện Bắc Bình cho biết, quan điểm của lãnh đạo huyện là phải sớm thi công trở lại cây cầu này. Tuy nhiên, hiện tại dự án còn khó khăn do phải giải tỏa khoảng 1.800m2 đất nông nghiệp để thi công đường dẫn. Trước đây, giá bồi thường giải phóng mặt bằng khác, hiện chi phí đền bù giải tỏa phải tính toán lại và phê duyệt theo khung giá mới.

PV đặt câu hỏi trước việc các trụ cầu đã thi công xong nhiều năm có đảm bảo chất lượng khi đưa vào khai thác, ông Hầu cho biết: "Huyện đã mời Trung tâm kiểm định đánh giá, kiểm tra chất lượng các trụ móng cầu. Kết quả kiểm tra, đo đạc chất lượng của đơn vị kiểm định các trụ cầu vẫn đạt chất lượng yêu cầu.

"Hiện, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tiếp tục thi công dự án. Dự kiến, cây cầu này sẽ thi công trở lại trong tháng 11 và thông xe trước Tết Âm lịch 2024", ông Hầu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.