Bất an khi ra đường
Đã gần một tuần xảy ra vụ sạt lở cát kinh hoàng từ dự án Sentosa Villa (Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn làm chủ đầu tư) nhưng anh Lê Văn Bích, nhân viên bảo vệ nhà hàng Đại Dương Xanh - người trực tiếp chứng kiến vụ sạt lở vẫn chưa hết bàng hoàng.
Ô tô, xe máy bị vùi lấp trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Phan Thiết rạng sáng 21/5.
"Rạng sáng 21/5, trời mưa rất to, tôi đang ngủ thì nghe tiếng động lớn từ phía đồi cao, sau đó nước lũ ào ào tuôn xuống đường. Tôi hô hoán, nhiều xe máy, ô tô phát hiện phóng nhanh tránh bị lũ bùn cát cuốn. Một xe khách 16 chỗ không kịp chạy qua đoạn bùn cát, nhưng tài xế kịp thời bung cửa thoát ra ngoài", anh kể.
Sau trận mưa lớn, lũ cát từ dự án Sentosa Villa Mũi Né tràn xuống làm tê liệt tuyến đường ven biển, vùi lấp ô tô và nhà hàng phía dưới. Mỗi lần mưa lớn, người dân dọc đoạn đường này luôn nơm nớp lo sợ.
Ngày 28/5, ghi nhận của PV trên đường Nguyễn Đình Chiểu qua khu vực sạt lở, đoạn dài gần 500m từ bến xe Mũi Né đến trước khu vực dự án Sentosa Villa còn đầy vệt cát, bùn. Người dân phản ánh, đến nay sau mỗi trận mưa, đất cát vẫn tràn xuống đường gây trơn trượt.
Ông Trần Quang Định, một cư dân ngụ phường Mũi Né cho biết: "Đây mới chỉ là trận mưa lớn đầu mùa nhưng đã cảnh báo hiểm họa sạt lở có thể ập đến bất cứ lúc nào. Cả nhà tôi rất sợ mỗi khi phải có việc ra đường".
Xử nghiêm dự án vi phạm
Tình trạng sạt lở cát tràn xuống đường, vùi lấp nhà dân đã xảy ra nhiều năm trên trục ven biển Mũi Né, Tiến Thành, TP Phan Thiết. Đặc biệt, khi các dự án bất động sản thi công trên cao thì tình hình ngày càng nghiêm trọng.
Vị trí sạt lở thuộc dự án Sentosa Villa chưa được khắc phục, nhiều vết nứt trên đồi có thể đổ ập xuống đường khi mưa lớn.
Cách đây chưa lâu, bùn cát đỏ từ dự án đang thi công trên đồi cao thuộc dự án bất động sản Goldsand Hill Villa tràn xuống đường Huỳnh Thúc Kháng gây ách tắc giao thông, gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân.
Hay như cơn mưa lớn ngày 1/10/2023 đã làm cát, bùn đỏ tràn xuống đường tỉnh 719 thuộc thôn Tiến Phú và Tiến Hải, xã Tiến Thành, với chiều dài khoảng 5km, gây ách tắc giao thông.
Liên quan vụ sạt lở ngày 21/5 vừa qua, ông Phan Dương Cường, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận khẳng định, nguyên nhân do chủ đầu tư dự án Sentosa Villa chưa tuân thủ các quy định phòng chống thiên tai trong quá trình xây dựng. Sau một tuần, chủ đầu tư vẫn chậm khắc phục, nguy cơ sạt lở tiếp diễn. Sở đang tính phương án di dời một số hộ dân để đảm bảo an toàn.
"Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát sao, nếu chủ đầu tư không thực hiện sẽ xử lý nghiêm", ông Cường nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Chơn, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết cho biết, sau sự cố sạt lở từ dự án Sentosa Villa, lãnh đạo thành phố đã kiểm tra các công trình, dự án thi công trên đồi cao tại các phường Mũi Né, Hàm Tiến và Thiện Nghiệp. Với các dự án vi phạm, chậm khắc phục, TP đã kiến nghị tỉnh cần có biện pháp xử lý.
Rà soát thiết kế các công trình trên đồi cao
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, (Bộ TN&MT), địa hình ven biển Bình Thuận nói riêng và nhiều tỉnh, thành dọc bờ biển nói chung có nhiều núi đá, đồi cát. Khi xây dựng các công trình, đơn vị thi công sẽ phải san lấp mặt bằng, tác động trực tiếp vào hệ sinh thái tự nhiên. Vì thế, nếu việc thiết kế, xây dựng không có giải pháp kỹ thuật tốt sẽ rất rủi ro.
"Công trình mọc trên đồi cao tác động bề mặt tự nhiên nên tại nhiều vị trí tạo thành các dòng chảy rất mạnh. Từ đây, lớp đất bị cuốn trôi, gặp mưa lớn chảy mạnh xuống phía dưới tạo các rãnh, hố xoáy. Khi mưa, tại các khu vực đất đá bazan, nước thấm xuống sẽ tích tụ thành các dòng chảy ngầm tạo ra các hố sụt lớn.
Do vậy, trước khi xây dựng các công trình trên các sườn đồi, núi phải khảo sát kỹ địa chất, thủy văn. Đồng thời thiết kế giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở, thoát nước, làm bờ kè, đặt các ống thoát nước ngăn xói mòn", ông Ca khuyến cáo.
Ông Phan Dương Cường, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết, đã có công văn đề nghị UBND Phan Thiết, thị xã La Gi, TP Phan Thiết và chủ đầu tư các dự án ven biển (gồm 14 dự án, công trình) thực hiện rà soát hồ sơ thiết kế, có giải pháp bảo vệ môi trường, phương án ứng phó an toàn; đồng thời, thành lập các tổ phản ứng nhanh, không để tình trạng cát tràn xuống đường ảnh hưởng an toàn giao thông, tính mạng người dân khi mưa lớn.
Không chỉ tại Bình Thuận, thực trạng sạt lở cũng diễn ra ở Ninh Thuận. Điển hình như tại đèo Ngoạn Mục trên quốc lộ 27.
Ông Bùi Duy Anh, Trưởng Văn phòng QLĐB IV.1 cho biết, tháng 10/2023, mưa lớn làm sạt lở hơn 10 vị trí, gây hư hỏng taluy. Các vị trí này đã được khắc phục, nhưng còn nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ lớn khi mưa bão. Hay tuyến đường ven biển Mũi Dinh - Cà Ná, vào cuối tháng 8/2023, sau cơn mưa lớn cát từ ngọn đồi tràn xuống đường dày 20 - 30cm, nhiều ô tô sa lầy trong cát.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết, trước mùa mưa bão, Sở đều chỉ đạo đơn vị bảo trì tăng cường công tác ứng phó sạt lở cát trên đường ven biển, lắp biển cảnh báo để xe cộ lưu ý khi lưu thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận