Chiều 3/11, rất ít du khách tắm biển tại khu vực biển TP.Phan Thiết.
|
Kiểm soát các hoạt động trên biển
Ngày 3/11, Đoàn Công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Bình Thuận kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó cơn bão số 12.
Tại buổi làm việc, Thứ Trưởng Hoàng Văn Thắng đánh giá cao sự chuẩn bị của tỉnh Bình Thuận về đối phó cơn bão số 12, qua đó đặc biệt lưu ý, cơn bão này khả năng vào đất liền vào ban đêm, cộng với triều cường sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng nặng. Tỉnh cần tiếp tục thông tin cho người dân những đặc điểm riêng của cơn bão. Các vùng nhà thấp ven biển, hạ du các hồ đập, một số vùng sạt lở và người dân đang trên tàu thuyền, lồng bè là những nơi nguy hiểm nhất. Vì vậy, cần tiếp tục kiểm soát các hoạt động trên biển. Ngoài ra, cần lưu ý các khu du lịch có nhiều khách lưu trú tại vùng ảnh hưởng bão.
Về phía địa phương, đến sáng 3/11, đã thành lập các đoàn công tác của huyện phối hợp xuống các xã, phường, thị trấn để rà soát các khu dân cư ven biển, cửa sông ảnh hưởng trực tiếp của bão, nước dâng; vùng trũng, ngập lụt khi có mưa lớn; kiểm tra các khu neo đậu tàu thuyền; sẵn sàng phương tiện, lực lượng để di dời, sơ tán khi có lệnh, chuẩn bị tốt theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với các tình huống, sự cố do bão gây ra.
Gia cố đê bao bảo vệ khu nuôi tôm
Theo dự báo, huyện Tuy Phong sẽ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 12. Riêng Xã Hòa Phú hiện có hơn 10 ha khu nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung ở 6 khu vực chính cũng được người dân gia cố đê bao, khơi thông các mương thoát nước trong khu vực nuôi, rào chắn các hồ nuôi để tránh tình trạng thất thoát con nuôi khi nước trong hồ dâng cao. Ngoài ra còn vận động người dân thu bán những hồ tôm đã lớn nhằm giảm thiệt hại khi bão xảy ra.
Các khu du lịch thực hiện phương châm “4 tại chỗ”
Ngày 3/11, Sở Văn hóaThể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, đã gởi công văn khẩn cho các đơn vị, các khu du lịch, cơ sở lưu trú tập trung triển khai ngay phương án phòng tránh bão theo phương châm “4 tại chỗ”, kiểm tra, rà soát kế hoạch phương án di dời, sơ tán du khách đã được phê duyệt, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, lực lượng, vật tư theo kế hoạch đã được phân công, chủ động tham gia ứng phó. Khi cơn bão đổ bộ, ưu tiên tập trung cứu người, cứu tài sản. Chú ý phương án di dời du khách tại các cơ sở lưu trú du lịch ven biển đến nơi bảo đảm an toàn. Dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí nơi công cộng cho đến khi bão số 12 tan hẳn.
Các ghe, tàu đã neo đậu an toàn tại cảng cá TP.Phan Thiết. |
Chiều 2/11 Hiệp hội du lịch Bình Thuận đã thông báo yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh ven biển luôn đề cao cảnh giác, ứng phó và chuẩn bị kỹ các phương án nhằm đảm bảo an toàn về người và tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Các doanh nghiệp khi nhận được thông tin rất khẩn trương triển khai phòng tránh bão số 12. Hàng loạt các resort ven biển như Sea Hosre, The Clift, Sài Gòn Mũi Né...đã kêu gọi nhân viên trong tâm thế chủ động phòng chống bão. Mọi bộ phận đều được phân công trách nhiệm cụ thể và được chỉ đạo trực tiếp từ các doanh nghiệp.
Đến khoảng 17h ngày 3/11 tại khu du lịch biển Mũi Né, lượng khách đổ về ít hơn so với những ngày cuối tuần. Các khách nước ngoài đang lưu trú ở đây vẫn đi thanh thản đi dọc bờ bở hóng mát hoặc tạt vào các quán ăn ven biển.
Tàu cá neo đậu an toàn tại cảng cá TP.Phan Thiết
Cùng với các địa phương trong tỉnh, TP.Phan Thiết đang khẩn trương ứng phó cơn bão số 12. Đến 14h ngày 3/11, tất cả tàu thuyền ở Phan Thiết đã neo đậu an toàn, các khu dân cư ven biển, cơ sở du lịch trên địa bàn thành phố đều đã chủ động lên phương án đối phó khi có bão.Còn tại khu vực cảng cá Phan Thiết, toàn bộ hoạt động mua bán đã không còn diễn ra. Các cột neo, bến bãi được Ban quản lí cảng cá Phan Thiết kiểm tra, bố trí thường xuyên nên không xảy ra va chạm hay khó khăn về chỗ neo đậu.
Một trong những khu vực xung yếu dễ bị ảnh hưởng của bão là khu dân cư giáp biển thuộc địa bàn thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết. Hiện nay, sau khi một số hộ dân đã di dời về khu tái định cư thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành thì chỉ còn lại 20 hộ có nhà giáp biển. Thông qua các kênh tuyên truyền, các hộ dân đều đã chủ động giằng chống nhà cửa, chuẩn bị các bước để sơ tán khi bão đổ bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận