Ông Nguyễn Trí Dũng
Cụ thể là truy vết mọi đối tượng F1, F2 của các ca lây nhiễm Covid-19 mới phát hiện, với tinh thần cao nhất, không để lây lan thành chu kỳ thứ 3. Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM xung quanh vấn đề này.
Sau các ca nhiễm Covid-19 vừa được phát hiện, đến nay việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang được triển khai ra sao? Kết quả xét nghiệm đối với các trường hợp F1, F2 có phát hiện thêm ca dương tính nào hay không?
Tính đến chiều tối 3/12, trên địa bàn tại TP không có thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Tất cả mẫu xét nghiệm của những người thuộc diện tiếp xúc gần (F1) và tiếp xúc với F1 (là F2) với bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM đều được tiến hành theo phương pháp Realtime RT-PCR.
Cơ quan y tế đã lấy mẫu hơn 2.240 người, xét nghiệm xong 1.632 người, 612 người đang chờ kết quả.
Liên quan đến bệnh nhân 1342 (tiếp viên hàng không Vietnam Airlines), đã xét nghiệm 78 mẫu F1, trong đó 1 mẫu dương tính (bệnh nhân 1347 đã được công bố), 77 mẫu còn lại đều cho kết quả âm tính.
Trong số 456 mẫu F1 của bệnh nhân 1347 phát hiện 2 mẫu dương tính (bệnh nhân 1348 và bệnh nhân 1349, đã được công bố), 454 mẫu còn lại đều cho kết quả âm tính. 184 mẫu F1 của bệnh nhân 1348 cũng cho kết quả âm tính.
Trong số 134 mẫu F1 của bệnh nhân 1349 có 123 mẫu âm tính, 11 mẫu đang chờ kết quả. Như vậy, có 841/852 mẫu F1 đã được xét nghiệm, trong đó có 3 mẫu dương tính (đã công bố) và 838 mẫu âm tính. Ngoài ra, có 791/1392 mẫu F2 đã được xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính.
Việc điều tra truy vết, tìm kiếm tất cả những địa điểm đi lại và người có tiếp xúc với các trường hợp F1, F2 đã được thực hiện thế nào?
Tất cả các trường hợp tiếp xúc gần đều đã được cách ly tập trung. Hiện cơ quan y tế đã xác định những địa bàn quận, huyện có liên quan để triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại nơi ở của bệnh nhân và các hộ dân xung quanh theo quy định, vệ sinh khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà đối với những người sống lân cận.
Đồng thời, cập nhật hướng dẫn phòng bệnh về những nơi các bệnh nhân từng đến, phong tỏa tạm thời một số khu vực là nơi ở và nơi mà các bệnh nhân từng tới.
Tạm đóng cửa khu cách ly tập trung của đoàn tiếp viên Vietnam Airlines tại địa chỉ số 115 Hồng Hà và số 1 Hồng Hà để phòng chống lây nhiễm Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nếu có nhiều khu vực phải cách ly trong thành phố, phương án tổ chức thế nào, liệu cơ sở vật chất hiện có có đáp ứng được?
TP đã cho tái “kích hoạt” nhiều khu cách ly, 3 khu cách ly do quân đội quản lý với sức chứa hơn 500 giường, chủ yếu dành cho các chuyến bay giải cứu. TP cũng đang vận hành các khu cách ly quận/huyện, với sức chứa khoảng 1.000 giường; khu cách ly có thu phí tại các khách sạn là hơn 1.900 giường.
Hiện tại, các khu cách ly này đang thực hiện tiếp nhận người cách ly để phòng dịch. Ngành y tế TP sẵn sàng mở rộng các khu cách ly khi có nhu cầu, đảm bảo năng lực cách ly cho người dân.
Tính đến ngày 2/12, TP đang thực hiện cách ly tập trung cho 1.528 người và 935 người tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Cơ quan chức năng cũng đã hoàn tất việc vận chuyển 61 người là phi công và tiếp viên hàng không tới cách ly tập trung tại khách sạn ở phường 1 và phường 4, quận Tân Bình. Trước đó 61 người này được cách ly tại khu cách ly tập trung của đoàn tiếp viên Vietnam Airlines.
Tối 2/12, Thủ tướng đã có công điện hỏa tốc gửi các bộ ngành, địa phương về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh rất nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM. Thành phố đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng thế nào?
Chiều 3/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã ký văn bản khẩn gửi các sở, ban, ngành và UBND các quận huyện trên địa bàn về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong đó yêu cầu thực hiện nghiêm công tác kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để; tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.
Văn bản cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ, thần tốc truy vết mọi đối tượng F1, F2 của các ca lây nhiễm mới phát hiện, để không để lây lan vòng 3 và thực hiện nghiêm ngặt các quy định về cách ly tập trung, cách ly tại nhà và quản lý y tế sau cách ly, xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định.
Đánh giá và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra các sai phạm làm dịch Covid-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng. Tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết.
Nếu trong trường hợp tiếp tục có ca lây nhiễm trong cộng đồng thì phương án xử lý thế nào?
Trường hợp dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng, Sở Y tế tham mưu UBND TP thực hiện giãn cách xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý để không ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ trường hợp bệnh nhân 1342, thành phố rút ra bài học gì để bịt lỗ hổng trong việc giám sát đối với các trường hợp cách ly tại nhà?
Các hình thức cách ly y tế tại nhà bao gồm: Cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú, nhà riêng, căn hộ chung cư, nhà ở tập thể, phòng ký túc xá trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp, phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị.
Quá trình cách ly tại nhà, người bị cách ly không ra khỏi nơi lưu trú, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác… Không ăn chung, không ngủ chung với người khác. Đồng thời phải chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương.
Các trường hợp cách ly tại nhà là các trường hợp ít có khả năng lây nhiễm. Các địa phương sẽ giám sát chặt chẽ như điện thoại, kiểm tra, kiểm tra sức khoẻ...
Cảm ơn ông!
Khai báo y tế gian dối sẽ bị xử lý hình sự
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM tại cuộc họp giao ban công tác phòng, chống dịch diễn ra chiều tối 3/12.
Liên quan đến bệnh nhân 1342, ông Phong cho biết, sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố bị can để tạo sự răn đe cho người dân. Đồng thời, Thành phố sẽ xử lý nghiêm, đối với những trường hợp không tuân thủ quy định phòng dịch.
“Đề nghị Công an Thành phố xử lý nghiêm, kể cả xem xét xử lý hình sự đối với những trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly, tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ, đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng”, ông Phong yêu cầu.
Đến chiều 3/12, toàn thành phố có hơn 170.000 học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng chống dịch.
Ông Phạm Tùng Lâm, Cục trưởng Cục Y tế GTVT:
Lỗ hổng giám sát
Đối với trường hợp bệnh nhân 1342, lỗ hổng cách ly là do việc giám sát trong khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines chưa nghiêm, dẫn đến việc bệnh nhân 1342 tiếp xúc với bệnh nhân 1325 trong thời gian cách ly tại khu cách ly.
Tại khu cách ly tập trung, theo Quyết định 878 của Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly, cưỡng chế cách ly.
Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh, thành phố có trách nhiệm huy động nguồn lực (công an, y tế) để thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly, cưỡng chế cách ly nếu người được cách ly không tuân thủ quy định cách ly y tế.
Sau khi về cách ly tại nhà, UBND xã, phường, thị trấn nơi có người được cách ly có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Xử nghiêm để răn đe
Trong khi chúng ta đang làm rất tốt từ tuyên truyền đến các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 thì trường hợp của bệnh nhân 1342 là rất đáng tiếc. Việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo tôi là cần thiết, nhằm tạo tính răn đe. Nếu trước đây các vụ việc tương tự chúng ta xử lý nghiêm thì chưa chắc đã xảy ra câu chuyện lần này. Tuy nhiên, thời điểm trước đây dịch mới bùng phát, việc xử lý có phần nhân văn và lấy đó làm bài học để rút kinh nghiệm.
Đến thời điểm này, công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 đã được triển khai rộng rãi đến người người, nhà nhà, nên nếu cá nhân nào vi phạm thì cần xử nghiêm để làm gương.
PGS. TS. Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế):
Kiểm soát tốt sẽ không lọt ra cộng đồng
Vụ việc bệnh nhân 1342 gây lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là do thiếu ý thức trong việc chấp hành quy định trong cách ly phòng, chống Covid-19. Quy định trong cách ly rất rõ ràng, nếu chấp hành tốt sẽ hạn chế tối đa việc lây nhiễm. Hiện vụ lây nhiễm trong cộng đồng tại TP HCM đang được khoanh vùng, kiểm soát và tiếp tục truy vết.
Trước diễn biến phức tạp của dịch ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt là khi mùa Đông đang cận kề, hiện nhiều nước đang bùng phát dịch, trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước thì các ca nhiễm khi nhập cảnh vẫn sẽ tăng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục kiểm soát tốt, không để lọt ra cộng đồng, thì dù mùa Đông cũng không sợ vì không có nguồn bệnh. Còn nếu để lọt ra là có nguy cơ bùng phát dịch, rất nguy hiểm.
Ông Đinh Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND TP Cẩm Phả (Quảng Ninh):
Sẵn sàng trước mọi tình huống
Ngay sau khi có thông báo về trường hợp nam sinh V.B.P. là F1 của bệnh nhân 1347 giảng dạy tại TP HCM, chính quyền địa phương đã kịp thời triển khai các biện pháp khẩn cấp để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, F1 đã được đưa đi cách ly tập trung, toàn bộ F2 gồm 7 người đã được cách ly tại nhà và giám sát, theo dõi y tế chặt chẽ.
Cùng với đó, cơ quan chức của địa phương đã nhanh chóng khoang vùng, truy vết được 87 trường hợp F3. Đến nay, toàn bộ các trường hợp đều đã được lấy mẫu bệnh phẩm. Kết quả xét nhiệm lần đầu đối với F1 là âm tính; các trường hợp F2, F3 cũng đều cho kết quả âm tính. Hiện tại, các cơ sở cách ly tập trung của Quảng Ninh nói chung và TP Cẩm Phả nói riêng đều đảm bảo đáp ứng được tốt yêu cầu trước mọi tình huống.
Bà Lê Thu Hiền, Chánh văn phòng Cục tin học hóa (Bộ TT&TT):
23 triệu lượt tải phần mềm Bluezone
Ứng dụng Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth BLE nhằm phát hiện những người tiếp xúc gần với người nhiễm qua Smartphone một cách nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém.
Ứng dụng cảnh báo cho mọi người nếu tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, có thể ghi nhận tiếp xúc kể cả khi điện thoại đặt trong túi, tắt màn hình. Việc ghi nhận diễn ra hoàn toàn tự động, đảm bảo tính riêng tư vì mã số truyền giữa hai điện thoại thay đổi liên tục, không định danh.
Tới thời điểm này đã có 23 triệu lượt người tải phần mềm này về máy điện thoại. Thời gian qua, đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi vẫn thường xuyên tiến hành cải tiến, nâng cấp để phần mềm này ngày càng hoàn thiện, có thêm những tính năng mới nhằm giúp người dùng thuận tiện hơn trong việc sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận