Các chuyên gia đều cho rằng, đa phần người mua Bitcoin tại Việt Nam đều chờ đồng tiền này tăng giá để bán đi chứ không có mục đích sử dụng |
Người cuối cùng cầm “cục than” sẽ “chết”
Mức tăng giá hơn 1.000% của Bitcoin trong năm 2017 đã khiến “đồng tiền” này nói riêng và tiền ảo nói chung trở thành hiện tượng trên thị trường tài chính thế giới cũng như Việt Nam. Nhiều tổ chức, chuyên gia nhìn nhận Bitcoin đang giống như bong bóng Dot-com hay bong bóng hoa Tulip từng xảy ra trong lịch sử. Cùng với việc ồ ạt đổ tiền vào các hoạt động như “đào” (mining), buôn bán trên sàn, các giao dịch chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo…, hoạt động gọi vốn cho các dự án đầu tư vào tiền ảo (ICO) cũng diễn ra rầm rộ.
Bitcoin được xây dựng trên nền tảng Blockchain (chuỗi khối), là công nghệ cho phép sao lưu dữ liệu dưới dạng sổ cái phân tán, được đánh giá là có thể tạo nên những thay đổi lớn, tích cực trong hoạt động tài chính những thập kỷ tới đây và là xu hướng không thể đảo ngược. Một số người trong ngành công nghệ thông tin cho biết, họ không quan tâm đến Bitcoin mà quan tâm tới công nghệ đằng sau nó vì có thể ứng dụng trong tất cả các ngành như ngân hàng, vận tải... như dịch vụ cho thuê xe cạnh tranh trực tiếp Uber, tạo công cụ đánh giá các nhà hàng… Công nghệ Blockchain cũng phù hợp với việc minh bạch hóa thông tin nên đang được một số nước phát triển mạnh. |
Nói về Bitcoin, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, không biết dùng khái niệm gì để mô tả, cũng không thể sờ nắm, kể cả người đào Bitcoin: “Nó không phải tiền, không phải giấy tờ có giá. Nó là tài sản nhưng là tài sản gì hay chỉ là quyền tài sản?”. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho biết, trong một nghị định của Chính phủ có nhắc tới khái niệm vật phẩm ảo, đó là tài sản ảo. Nhưng ở đây, Bitcoin lại giống tiền nên mọi người ghép lại là tiền ảo. Còn bản thân ông Đức ủng hộ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước rằng Bitcoin không phải tiền.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đồng tình rằng, Bitcoin không thể là đồng tiền vì tiền phải có ngân hàng T.Ư, phải gắn với tỷ giá, gắn với cán cân thương mại… và cũng chưa được ngân hàng T.Ư nào chấp nhận tỷ giá hối đoái. “Mọi người đang coi đó là tài sản đầu cơ. Nếu là tài sản đầu cơ thì ai là người cuối cùng cầm “cục than” sẽ “chết” và khi nó sập sẽ gắn với khủng hoảng kinh tế”, ông Hưng nhận định.
Dưới góc độ pháp lý, ông Đức phân tích, hiện chưa có quy định nào quản lý Bitcoin, chỉ có cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước rằng, đây không phải là phương tiện thanh toán, công cụ thanh toán hay giấy tờ có giá trị. Chính vì thế, ông Đức thông tin, các cá nhân, tổ chức (trừ các tổ chức tín dụng) có thể dựa trên nền tảng công nghệ của Blockchain (nền tảng công nghệ tạo ra Bitcoin) để tạo ra các “đồng tiền” tương tự và có thể mang nó đi trao đổi một cách thoải mái.
“Đừng tin lời hứa hẹn của người xúi giục đầu tư”
Ông Nguyễn Việt Bách, thành viên phụ trách marketing của Công ty TNHH Bitcoin Viet Nam, thừa nhận, đa số người Việt đổ xô vào Bitcoin chỉ với mục đích đầu cơ sinh lời, chưa có trường hợp nào mua Bitcoin để sử dụng. “Họ chỉ mua để đó, khi nào Bitcoin lên giá thì bán ra”, ông Bách nói.
Liên hệ với hiện tượng đầu cơ chứng khoán hồi đầu ở Việt Nam, luật sư Trương Thanh Đức cảnh báo: “Trước khi mọi người chưa hiểu chứng khoán thì nó tăng vùn vụt. Nhưng Bitcoin khác, nó còn lơ mơ hơn chứng khoán nhiều nên cơ hội tăng còn nhiều. Nhưng tôi chỉ thấy tiền ảo lên giá là do tiền thật, khi nào mọi người không có khái niệm đầu cơ nữa thì nó sập luôn chứ không phải chỉ là dừng lại như đầu tư các tài sản khác”.
Ngay cả người đồng sáng lập Bitcoin Vietnam là Doninik Weil cũng cảnh báo người chơi hãy biết cách tự bảo vệ mình. “Nếu có ai hứa khoản đầu tư sinh lời 30%/tháng thì nên cảnh giác vì không có hình thức đầu tư nào sinh lời được như vậy”, ông Doninik Weil khẳng định. Ông này khuyến cáo người chơi, trước khi tham gia phải tìm hiểu thông tin chính thống có giá trị, “đừng tin lời hứa hẹn của người xúi giục đầu tư đó”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận