Mã độc WannaCry mã hóa toàn bộ dữ liệu của nạn nhân, đòi trả tiền chuộc bằng Bitcoin |
Phát triển thần tốc
Bitcoin là gì? Đây là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp, được phát hành bởi Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn mở từ năm 2009. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối internet mà không cần thông qua bất kỳ tổ chức tài chính trung gian nào.
Trong báo cáo đánh giá quý của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements - BIS) vừa được công bố đầu tuần này, BIS đặt vấn đề: “Liệu một ngân hàng trung ương có nên đưa ra đồng tiền điện tử để thay thế tiền mặt hay không? Đó là câu hỏi được quan tâm nhiều nhất tại các nước như Thụy Điển khi tình hình sử dụng tiền mặt đang suy giảm rõ rệt” và thay bằng tiền ảo.
BIS thừa nhận, “trong chưa đầy 1 thập kỷ, đồng Bitcoin đi từ một khái niệm bí ẩn, ít người biết đến một cái tên mà ai ai cũng nhắc đến”. “Hiện nay, dù chưa rõ, đồng Bitcoin hoặc các phiên bản tiền điện tử khác có thay thế hoàn toàn tiền tệ quốc gia hay không nhưng loại tiền ảo này đã chứng minh được khả năng tồn tại trên công nghệ khối chuỗi (blockchain) hay công nghệ sổ cái điện tử”, báo cáo của BIS nhận định.
Một nghiên cứu gần đây do Đại học Cambrige của Anh thực hiện cho thấy, có khoảng 2,9 triệu - 5,8 triệu người sử dụng tiền điện tử. Giá trị của Bitcoin tăng từ điểm hơn 1.300 Bitcoin mới đổi được 1 USD lên tới mỗi Bitcoin hiện có giá gần bằng 2 ounce vàng (57 gram vàng).
“Bitcoin đã được hợp pháp hóa ở một số nơi trên thế giới, trong đó, ở Nhật Bản và Australia đã bắt đầu nới lỏng các quy định về thuế đối với đồng tiền ảo này. Ngoài ra, ở Nhật dự kiến đến hết năm 2017, có khoảng 300.000 cửa hàng chấp nhận Bitcoin để giao dịch mua bán thay tiền mặt”, Giám đốc Tài chính tại bitFlyer, ông Midori Kanemitsu chia sẻ.
Thậm chí, tại Thụy Điển, ông Mathias Sundin, người theo đảng Tự do còn dùng chiến lược ủng hộ Bitcoin để chạy đua một ghế vào Quốc hội. Ông này hứa hẹn sẽ chống lại những phản ứng trước việc quản lý đồng tiền ảo và nâng cao nhận thức về Bitcoin.
Nhiều hệ thống ngân hàng bắt đầu tiếp cận loại tiền ảo, kỹ thuật số này. Hiện, đã có ngân hàng Trung ương Hà Lan tự tạo một hệ thống tiền kỹ thuật số của riêng mình chỉ để sử dụng trong nội bộ. Giới chức Mỹ cũng đang tìm hiểu vấn đề nóng nói trên bất chấp Thống đốc Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell còn e ngại “có rất nhiều vấn đề chính sách quan trọng” cần phải được nghiên cứu sâu như rủi ro bị tấn công khủng bố, tính riêng tư và giả mạo.
Hay tại Nga, dù từng là nước nhất quyết phản đối Bitcoin nhưng thời gian gần đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina tuyên bố sẽ bắt đầu cân nhắc khả năng hợp pháp hóa tiền điện tử.
Theo thông tin từ tờ CNBC của Mỹ, tính đến nay có khoảng 10 tổ chức tài chính đăng ký sử dụng hệ thống tiền điện tử của Ripple vào tháng 5 vừa qua để gửi các khoản thanh toán quốc tế trong thời gian thực. Một vài quốc gia bắt đầu công nhận Bitcoin, thậm chí có quốc gia còn có ATM rút Bitcoin ra tiền giấy.
Giá trị của Bitcoin đang tăng trưởng thần tốc |
Nhiều nguy cơ bị tội phạm lợi dụng
Tuy nhiên, nếu các ngân hàng Trung ương phát hành một loại tiền Bitcoin riêng của mình, đưa Bitcoin ứng dụng sâu vào đời sống thường nhật thì hệ thống tiền tệ này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Theo đánh giá của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, để tiếp cận Bitcoin, các ngân hàng Trung ương có một lựa chọn là phát hành đơn vị tiền tệ ảo cho phép trực tiếp chuyển đổi bằng tiền mặt hoặc tiền dự trữ. Nhưng hoạt động này lại đặt ra rủi ro lớn trong hoạt động điều hành ngân hàng; Các bên cho vay thương mại đối mặt với khả năng thiếu tiền gửi.
Không chỉ vậy, Bitcoin tiềm ẩn khả năng trở thành “thiên đường” của tội phạm, dễ bị lợi dụng trong hoạt động tấn công mạng, bị xâm phạm quyền riêng tư bởi đồng Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian.
Dù hoạt động giao dịch mua bán của người dùng thông qua đồng tiền ảo không hề mất phí cho ngân hàng hay bất kỳ thể chế kinh tế nào, điều này đã giúp tiết kiệm chi phí và tiện lợi. Tuy nhiên, thuận lợi này trở thành công cụ giao dịch hoàn hảo cho giới tội phạm vì đây là đồng tiền không bị kiểm soát.
Điều này đã được chứng minh qua thực tế vụ tấn công mạng và đòi tiền chuộc bằng Bitcoin mang tên WannaCry vừa mới xảy ra gây ảnh hưởng sâu rộng trên quy mô toàn cầu. Những hacker giờ đây không yêu cầu nạn nhân gửi tiền chuộc bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng mà bắt nạn nhân phải chuyển qua Bitcoin để che giấu danh tính.
Không đâu xa, khoảng trung tuần tháng 9 này, CEO của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - ông Jamie Dimon khẳng định rằng, tiền ảo chỉ là một trò lừa đảo. Theo ông, sự phổ biến và tăng giá của Bitcoin tương tự như hiện tượng bong bóng kinh tế diễn ra vào thời kì hoàng kim ở Hà Lan. Tại thời điểm đó, giá của các bông hoa tulip được đẩy lên rất cao và tụt xuống nhanh chóng vào tháng 2 năm 1637.
Gay gắt hơn, vị giám đốc điều hành JPMorgan tuyên bố sẽ sa thải ngay lập tức tất cả các nhân viên bị bắt gặp giao dịch Bitcoin. Ông còn miêu tả họ bằng những từ như “ngu ngốc”, “nguy hiểm”. Cũng trong tháng 9 này, Bitcoin vấp phải trở ngại tại Trung Quốc khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố không công nhận các hoạt động chào bán đồng tiền ảo (ICO- Initial Coin Offering), được coi là một trong những hình thức huy động vốn phát triển tại Trung Quốc và đặc biệt được các start-up ưa chuộng. Ngoài ra, PBOC yêu cầu các cá nhân, tổ chức dừng ngay tất cả hoạt động gọi vốn bằng tiền ảo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận