Bên trong nhà máy sản xuất Bphone ở Cầu Giấy, Hà Nội. |
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của BKAV cho biết công suất nhà máy ở Cầu Giấy, Hà Nội, của tập đoàn này đáp ứng khoảng vài chục nghìn sản phẩm mỗi tháng.
Trong khi đó, BKAV ước tính có thể bán được trên 5.000 máy trong đợt đầu tiên (diễn ra từ 10h đến 22h ngày 2/6). Tuy nhiên, thực tế đã có 11.822 sản phẩm được đặt mua trong ngày đầu tiên, gấp đôi dự kiến ban đầu. Thống kê này cũng đã loại trừ các đơn hàng "ảo" vì nếu tính, con số sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
"Chúng tôi mất 5 năm để có thể ra mắt Bphone. Việc chuẩn bị cho lễ công bố lại được tiến hành đồng thời với quá trình hoàn thiện sản phẩm và xây mới hai nhà máy điện tử và cơ khí nên việc sản xuất bị ảnh hưởng đôi chút. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ có thể giao 5.000 sản phẩm tới khách hàng trong một tuần tới", đại diện Bkav giải thích. "Với các đơn hàng còn lại, chúng tôi cố gắng trong tháng 6 này sẽ cung cấp đủ số sản phẩm tới tay khách hàng".
Anh Trần Mạnh Hùng, trưởng dự án tai nghe của nhóm Joinhandmade và là một trong những người đầu tiên đặt mua trực tuyến hai điện thoại của BKAV, cho hay anh mua Bphone vì tính chất ủng hộ hàng Việt nên việc nhận máy sớm hay muộn vài tuần không thành vấn đề. Anh Hùng cũng nhận định việc bán hàng qua mạng là một quyết định đúng đắn của Bkav vì điều này sẽ giúp họ giảm chi phí, nhờ đó giá bán sản phẩm khi đến tay người dùng sẽ giảm đi.
Anh Hoàng Luyện (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết anh không lo lắng về chuyện mua máy trực tuyến vì Bkav đã "linh hoạt cho người đặt hàng có thể trả tiền sau". "Smartphone là mặt hàng có giá trị cao nên đa số cần cân nhắc kỹ rồi mới quyết định mua. Thay vì bạn phải đến cửa hàng để xem xét, so sánh thì Bphone được mang đến tận nơi cho bạn xem ngay lúc đó rồi mới quyết định trả tiền hay không", anh Luyện nhận xét.
Hình thức đặt mua điện thoại trực tuyến của BKAV được thực hiện giống mô hình mà Xiaomi (Trung Quốc) đang triển khai. Thành công của Xiaomi được ví như chuyện cổ tích của làng điện thoại di động bởi họ mới "chân ướt chân ráo" bước vào thị trường smartphone từ năm 2012 nhưng đã nhanh chóng nằm trong số những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Xiaomi từng ghi nhận 15 triệu đơn đặt hàng cho chiếc phablet Redmi Note.
Con số này không đồng nghĩa là tất cả người mua đã trả tiền trước cho sản phẩm mà họ tính cả những người mới chỉ đăng ký mua hàng nhưng chưa tiến hành giao dịch thanh toán. Tương tự, trong số gần 12.000 chiếc Bphone được đặt mua, rất nhiều khách hàng lựa chọn trả tiền sau khi nhận máy. Trong 14 ngày, khách hàng có thể đổi trả nếu không thích, tuy nhiên để tránh đơn hàng ảo, BKAV sẽ thu phí đổi trả là 500.000 đồng. Mức phí này tính từ khi người mua ký nhận vào đơn hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận