Điện ảnh

Black Panther, “cái tát” vào sự kỳ thị của Hollywood đạt doanh thu "khủng"

28/02/2018, 07:45

Bộ phim “bom tấn” mới nhất của Hollywood chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và đang thu về số doanh thu khủng.

24

Cảnh trong phim “Black Panther“

Cú nổ lớn đầu năm

Black Panther nguyên gốc là một siêu anh hùng của hãng truyện tranh Marvel Comic (Mỹ). Nhân vật này xuất hiện lần đầu vào năm 1966, có đóng góp tương đối cho sự phát triển của hãng. Thế nhưng, mãi tới hè 2016, Black Panther mới được bước lên màn ảnh rộng bằng một vai phụ trong bộ phim Captain American 3: Civil War. Dù chỉ là vai phụ, nhưng phong cách chiến đấu mới lạ (kết hợp giữa siêu thể chất, võ thuật và công nghệ) đã giúp chiến binh Báo đen gây ấn tượng mạnh trong “một rừng” siêu anh hùng. Theo đó, hãng chủ quản Marvel Studio và Disney đã chớp thời cơ tung ra bộ phim solo cho nhân vật này.

Ra mắt sớm tại Mỹ ngày 16/2, sau đó dần phủ sóng trên toàn thế giới, Black Panther nhanh chóng trở thành một hiện tượng đúng nghĩa “bom tấn”. Giới phê bình đánh giá cao, với những điểm số thuộc dạng ngất ngưởng trên các trang phê bình trực tuyến như: Metacritic (88/100 điểm), Rotten Tomatoes (97% hài lòng), IMDB (7.9/10 điểm)... Trong bối cảnh vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng của hãng Marvel đã bước sang tuổi thứ 10, việc đạt được sức hút từ phía các nhà chuyên môn như Black Panther là vô cùng đáng nể.

Đi liền với đó, doanh thu bộ phim cũng bùng nổ như phi mã. Tính đến hết ngày 26/2, sau 10 ngày công chiếu, phim đem về hơn 700 triệu USD. Trong đó, riêng thị trường Bắc Mỹ đã đóng góp tới 400 triệu USD, phá vỡ nhiều kỉ lục điện ảnh. Riêng tại Việt Nam, phim cũng đã lập kỉ lục doanh thu chiếu sớm nhiều nhất với 22,7 tỉ đồng trong 2 ngày đầu tiên, vượt qua Em chưa 18 và Fast & Furious 8 năm 2017. Hiện tại, mọi dự đoán đều nhận định phim sẽ chạm mốc 1 tỉ USD cho tới khi kết thúc tuần công chiếu thứ 3. Có thể nói, Black Panther đã tạo ra một khởi đầu cực kì hoành tráng cho dòng phim siêu anh hùng nói chung trong năm 2018.

25

Cảnh trong phim “Black Panther“

Sức mạnh của màu da

Vậy ngoài những con số và kỷ lục, điều gì ý nghĩa nhất ở bộ phim này? Đó chính là sự chỉn chu, sáng tạo trong cách xây dựng hình tượng người da màu (cụ thể là da đen) trên màn ảnh rộng. Nhân vật chính - Black Panther (tên thật là T’Challa) được xây dựng hết sức nghiêm túc: Sức mạnh thú vị, cá tính thâm trầm, trí tuệ khôn ngoan và phong thái vương giả. Kẻ phản diện Killmonger cũng sở hữu năng lực khủng bố, với những âm mưu thủ đoạn tinh vi xảo quyệt. Tất cả đều khác xa cách mà dòng phim siêu anh hùng làm với người da đen từ trước tới nay. Suốt mấy chục năm, anh hùng da đen nếu không đóng vai phụ lẽo đẽo theo chân anh hùng da trắng thì cũng là kẻ phản diện cho anh hùng (cũng da trắng) đánh đập. Có trường hợp khá khẩm được làm nhân vật chính như nhân vật Steel trong thảm họa điện ảnh cùng tên năm 1997 thì lại được chế tác hết sức cẩu thả về mọi mặt.

Vươn ra ngoài dòng phim siêu anh hùng, Black Panther lại cho thấy sự tôn trọng lớn với văn hóa và trình độ của người da đen. Trước đây, cứ nói tới người châu Phi (hoặc gốc Phi) là chỉ rặt những cảnh đói nghèo lạc hậu. Điển hình như hai phim đoạt Oscar là Moonlight và 12 Years of Slaves: Một phim nói về thời kì chế độ nô lệ, một phim lấy bối cảnh ở khu ổ chuột của người gốc Phi tại Miami. Chưa có bộ phim nào làm được như Black Panther: Dựng lên giữa rừng già Phi châu một quốc gia của người da đen với trình độ phát triển vượt bậc, sở hữu phi thuyền tự hành, thành phố khoa học và nhiều công nghệ chỉ có ở tương lai. Cư dân Wakanda, trong đó là một chủng tộc có tri thức cao đi liền với nền văn hóa lâu đời của hàng nghìn năm lịch sử. Đó là, một bước tiến dài, nếu khán giả nhớ lại châu Phi của 40 năm trước trong phim Đến thượng đế cũng phải cười: Người da đen bản địa cởi trần, đóng khố, thờ phụng một cái chai từ trên trời rơi xuống như thần thánh.

Và không chỉ trên phim, Black Panther còn có giá trị khẳng định ngoài đời thực. Tới năm 2017, tờ The Guardian vẫn thống kê được trong 600 phim bom tấn ra mắt từ 2007 thì chỉ có 7% trong số đó các đạo diễn da đen được quyền chỉ đạo. Và trong hàng nghìn series truyền hình Mỹ 10 năm qua, chỉ có 4,8% chấp nhận các nhà biên kịch da đen. Vậy mà Black Panther lại là bộ phim đầu tiên toàn bộ bộ sậu từ đạo diễn, diễn viên, biên kịch, âm thanh đều là người da đen, hơn thế còn thành công không tưởng. Theo đó, sự thành công ấy không khác gì cái tát thẳng vào mặt tình trạng thiên vị màu da vẫn đang hoành hành tại Hollywood suốt bao năm qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.