Bóng đá

Bỏ 350 tỷ đồng mua bản quyền World Cup nhưng nơm nớp lo sợ

10/10/2022, 16:29

Bản quyền truyền hình World Cup 2022 dự kiến có giá 15 triệu USD, tương đương 350 tỷ đồng và nỗi lo lớn nhất vẫn là vi phạm bản quyền.

Theo một số nguồn tin chưa chính thức, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với sự hậu thuẫn của một doanh nghiệp lớn cơ bản đã đàm phán xong để sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022.

img

Người hâm mộ Việt Nam sẽ được xem Ronaldo và Messi tranh tài tại World Cup 2022

Thông tin này khiến người hâm mộ thở phào bởi trước đó quá trình đàm phán nhiều thời điểm đi vào bế tắc và VTV có ý định rút lui vì đối tác hét giá quá cao.

Tuy VTV chưa công bố chính thức nhưng được biết số tiền phía Việt Nam phải bỏ ra là 15 triệu USD (tương đương khoảng 350 tỷ đồng).

Nhiều ý kiến cho rằng con số này quá lớn và Việt Nam đang bị đối tác ép giá bởi lần mua sau giá lại đội lên so với lần mua trước.

Tại World Cup 2018, VTV dưới sự đồng hành của một số doanh nghiệp đã mua bản quyền truyền hình với giá 12 triệu USD. Trước đó, tại World Cup 2014, VTV mua bản quyền với giá 7 triệu USD và World Cup 2010 là 2,7 triệu USD.

Theo ông Vũ Quang Huy, Giám đốc VTC3, Đài Truyền hình KTS VTC, việc mua bản quyền các giải thể thao nói chung, World Cup nói riêng tại Việt Nam luôn bị đối phương ép giá bởi họ biết người Việt Nam rất yêu thể thao.

“Tôi nghĩ giá bản quyền World Cup như thế là cao bởi nền kinh tế bị ảnh hưởng sau dịch Covid-19. Các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn”, ông Huy nhận định.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Phương Chi, Giám đốc bản quyền Next Media, đơn vị từng sở hữu bản quyền nhiều giải đấu lớn nhỏ trên lãnh thổ Việt Nam cũng cho rằng 350 tỷ là con số chưa phù hợp.

“Thông thường bên sở hữu bản quyền truyền hình luôn có xu hướng lần bán sau tăng giá so với lần bán trước, ít nhất từ 10-15%, tùy thuộc vào lượng người dùng. Đây là xu thế tất yếu của thị trường bởi không ai lại đi giảm giá, nhất là với giải đấu hấp dẫn như World Cup.

Tuy nhiên, cần biết 2 năm qua kinh tế ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam phá sản nên mức giá 15 triệu USD là cao”, bà Chi phân tích.

Có một điểm chung là ở hai kỳ World Cup 2022 và 2018, người hâm mộ đều phải chờ tới phút chót mới biết có được xem giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh hay không.

Theo ông Huy, thực trạng này xuất phát từ điều kiện của các Đài Việt Nam: “Các đài nước ngoài là đài tư nhân, họ cảm thấy họ kinh doanh được họ sẽ chi và họ cũng đủ tiềm lực để chi. Còn tại Việt Nam phần lớn vẫn theo cơ chế bao cấp, nguồnn lực còn yếu nên phải nâng lên đặt xuống hoặc có hậu thuẫn mới có thể đàm phán tích cực”.

Để giải quyết vấn đề trên, ông Huy cho rằng, các Đài tại Việt Nam nên ngồi lại, tìm tiếng nói chung chứ không nên mạnh ai nấy làm, dễ bị ép giá. Ngoài ra, các đài có thể vạch ra kế hoạch cụ thể từ sớm để tìm kiếm doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ quyền lợi. Cách làm này có thể gúp việc mua bản quyền World Cup ở Việt Nam trở nên thuận tiện hơn.

Liên quan tới bản quyền truyền hình World Cup 2022, rút kinh nghiệm từ việc bản quyền phát sóng World Cup 2018 đã bị vi phạm, nếu hợp đồng được ký kết thành công, VTV sẽ đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp bảo vệ bản quyền theo đúng quy định và yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).

Theo bà Đỗ Phương Chi, bản thân đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng không thể tự bảo vệ bản quyền mà phải nhờ tới các cơ quan chức năng.

“Đơn vị nắm bản quyền nên báo cáo với Bộ TT&TT, Cục phát thanh và thông tin điện tử về việc phát sóng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm.

Nếu không làm tốt việc bảo vệ bản quyền, người hâm mộ Việt Nam có thể mất cơ hội xem trực tiếp qua kênh chính thống khi FIFA dừng sóng”, bà Chi chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.