Ảnh minh hoạ |
Vừa qua, Bộ Công an được đánh giá là đơn vị gương mẫu đi đầu trong việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế.
Dư luận quan tâm sau khi sắp xếp, đến thời điểm này Bộ Công an đã tinh giản được bao nhiêu đầu mối, tinh giản được bao nhiêu biên chế, việc tinh giản biên chế có điểm gì mới hay tinh giản cơ học theo kiểu “đến tuổi thì cho về hưu” như trước đây. Đặc biệt, dư luận cũng quan tâm về con số lãnh đạo được bổ nhiệm sau khi sắp xếp bộ máy tại Bộ Công an.
Thượng tướng Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Bộ công an gương mẫu đi đầu trong tinh gọn bộ máy và đã được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74 vừa qua.
Đại tá Hoàng Đức Lừng - Phó Cục trưởng Cục tổ chức cán bộ (Bộ Công an) cho biết, sau khi kiện toàn, Bộ Công an giảm được 6 Tổng cục, 55 đơn vị cấp cục và 819 đơn vị cấp phòng ở cả Bộ Công an và Công an các địa phương.
Về biên chế, thực hiện theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và chủ trương của Bộ Công an, Đại tá Lừng cho biết Bộ đang tính toán điều chỉnh biên chế ở Bộ và các địa phương theo phương châm làm sao để “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Thông tin chi tiết hơn, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết đến nay, Bộ không còn 6 Tổng cục mà tổ chức bộ máy từ cấp Bộ đến Cục và công an các địa phương. Cùng với đó, giảm 55 đơn vị cấp cục – một số lượng rất lớn. Số lượng cấp phòng ở Bộ giảm gần 300 phòng, ở địa phương giảm 20 đơn vị PCCC do sáp nhập vào Công an tỉnh, TP và cùng với đó, giảm trên 500 phòng ở địa phương, giảm gần 1.000 cấp đội. “Làm được việc này là sự quyết tâm rất lớn của Đảng uỷ công an T.Ư, lãnh đạo Bộ Công an và nhờ sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư” – ông Nam nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ công an, bước đầu sắp xếp bộ máy tại Bộ Công an cho thấy đã đem lại hiệu quả và tính chiến đấu, gắn bó với cơ sở cao hơn trước đây.
Trong quá trình ổn định có một loạt vấn đề mới, ông Nam cho biết Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề như giảm biên chế thế nào, ở đâu, tăng cường cơ sở ra sao. Riêng việc bổ nhiệm cán bộ mới liên quan đến công tác chế độ nên không thể thông báo cụ thể.
Trước đây, Bộ Công an có 6 tổng cục nhưng nay đã không còn. Các Tổng cục bị xoá bỏ gồm: Tổng cục An ninh (Tổng cục I), Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục II), Tổng cục Chính trị (Tổng cục III), Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục IV), Tổng cục Tình báo (Tổng cục V), Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII).
Theo lãnh đạo Bộ Công an, việc triển khai thực hiện sắp xếp bộ máy là để giảm tầng nấc trung gian trong điều hành; không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của CAND; tạo điều kiện thuận lợi nhất để bố trí, điều chỉnh lại lực lượng, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và bố trí công an xã chính quy. Từ đó lực lượng công an sẽ gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề về an ninh trật tự ngay từ cơ sở, khắc phục được chồng chéo, chia cắt.
Nhưng bên cạnh đó, việc sắp xếp sẽ có những khó khăn nhất định như: Sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy; việc thực hiện chế độ, chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ...
Thời gian tới, lãnh đạo yêu cầu công an các đơn vị, địa phương, nhất là các đơn vị sáp nhập khẩn trương ổn định tổ chức, bố trí, sắp xếp cán bộ một cách hợp lý, đúng trình độ, năng lực, sở trường để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ngay từ những ngày đầu thành lập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận