Bộ biên niên sử cung cấp nhiều tư liệu, thông tin về một thời kỳ lịch sử dải của Trung Quốc. |
Tập 1 bộ biên niên sử “Tư trị Thông Giám” của sử gia Tư Mã Quang vừa được Nhà xuất bản Văn Học kết hợp cùng nhà sách Tri Thức Trẻ phát hành. Tác phẩm sử học "Tư trị thông giám" gồm 18 tập, được thực hiện chuyển ngữ bởi nhóm dịch giả Bùi Thông - Phạm Thành Long - Nguyễn Đức Vịnh.
"Tư trị thông giám" là bộ sử biên niên hoàn chỉnh nhất của Trung Quốc cổ đại, được coi là sách giáo khoa bắt buộc cho vua, tôi, kẻ sĩ. Xét về tác dụng và mức độ ảnh hưởng đối với lịch sử, văn hóa, "Tư trị thông giám" đứng ngang hàng với Sử ký - tác phẩm lịch sử vĩ đại nhất của Trung Quốc cổ đại, là bộ truyện ký đầu tiên viết theo thể Kỷ truyện.
"Tư trị thông giám" được viết theo thể biên niên, ghi chép về nhiều mặt bao gồm: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, học thuật, tôn giáo, triết học, chính sách đối nội – đối ngoại, tư liệu sử học, kinh học, ấn chương học, thiên văn học, địa lý học, thổ mộc kiến trúc, thuỷ lợi… phạm vi cực kỳ rộng lớn.
Nội dung bao trùm một khoảng thời gian lịch sử rất dài, bắt đầu từ Chu Uy Liệt vương thời nhà Chu (403 trước Công nguyên) và kết thúc vào đời Chu Hiển Đức nhà Hậu Chu (959 sau Công nguyên), tổng cộng 1.362 năm, xuyên suốt 16 triều đại chính thống (theo sắp xếp của Tư Mã Quang). Sách được phân thành 16 kỷ, gồm 294 quyển. Ngoài ra, còn có 30 quyển Mục lục, 30 quyển Khảo dị (khảo sát sự giống và khác nhau), nâng tổng số quyển lên thành 354 quyển.
Xuất phát từ mục đích viết sử để góp phần củng cố sự thống trị của vương triều nên nội dung và hình thức của sách mang màu sắc chính trị rất rõ nét. Bộ sử không chỉ đơn thuần là ghi chép sự kiện, mà còn thông qua các sự kiện để phân tích rõ đầu mối của trị - loạn - hưng - suy, phân tích thiện ác, các chính sách… Từ đó, đúc rút kinh nghiệm, thành tấm gương soi cho bậc đế vương thi hành đạo trị quốc.
Vua Tống Thần Tông nói: "Cả thảy ghi chép về mười sáu triều, biên thành hai trăm chín mươi tư quyển, bày trong một gian phòng mà tóm lược được hết việc cổ kim, nội dung rộng mà chốt được yếu điểm, ghi chép tinh giản mà thuật rõ các việc, đấy cũng là tổng hợp các loại điển chương chế độ đời trước, là bộ thư tịch sâu rộng đầy đủ rồi".
"Tư trị thông giám" không chỉ cung cấp những kinh nghiệm quý báu cho giai tầng thống trị, mà còn có giá trị sử liệu cao. Tài liệu mà bộ sử trích dẫn, ngoài chính sử còn có 322 loại tài liệu liên quan đến dã sử, truyện trạng, phả lục... Những tài liệu cổ này đến nay phần lớn đã thất truyền.
Để thực hiện bộ sách này, tác giả Tư Mã Quang cùng các cộng sự của ông là Lưu Thứ, Lưu Ban, Phạm Tổ Vũ và con trai Tư Mã Khang phải dốc sức 19 năm ròng. Khối lượng tư liệu mà nhóm biên soạn sử dụng đồ sộ, bao gồm 30.699 quyển sách trong tàng thư của triều đình; 2.400 quyển sách khác do đích thân Tống Thần Tông ban cho, cùng với hơn 5.000 sách do chính Tư Mã Quang sưu tầm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận