Thọ sứt là đối tượng nguy hiểm đã bị bắt giữ lại sau khi bỏ trốn 6 ngày khỏi trại giam T16 - Bộ Công an |
Chiều nay, 17/9, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã tổ chức gặp mặt báo chí thông tin bước đầu về vụ 2 tử tù Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình trốn trại. Đại tá Phạm Trọng Điềm - Phó Cục trưởng Cục C47 đã chủ trì buổi họp báo.
Tại đây, Đại tá Phạm Trọng Điềm đã trả lời nhiều câu hỏi về quá trình vượt ngục cũng như trốn chạy của 2 đối tượng tử tù nguy hiểm này.
Khi bắt được tử tù Nguyễn Văn Tình, Tình đã khai việc bỏ trốn khỏi trại giam như thế nào? Ai là chủ mưu của việc trốn khỏi phòng biệt giam?
Sau khi hỏi cung sơ bộ, khi được hỏi bằng cách nào trốn được thì Tình khai Thọ đã dùng miếng sắt nhọn và nhỏ rạch theo mạch vữa của tường trại giam. Tường trại giam độ ẩm cao, lâu ngày nên thuận lợi cho đối tượng có thể dùng vật cứng nhọn để khoét tường.
Tình khai rằng việc khoét tường là do Thọ làm chủ yếu. Theo Tình, trong quá trình chuyển trại Thọ có giấu được mẩu sắt nhọn, nhét vào hậu môn mang vào và khoét tường trong mấy tháng liền.
Sau đó, các đối tượng dùng cơm và kem đánh răng bít lại rồi dùng tay bẩn xoa lên. Nếu quản giáo không kiểm tra kỹ càng thì khó phát hiện. Đây là thủ đoạn hết sức tinh vi của các tử tù.
Tình khai Thọ là đối tượng mở khóa cùm vì với quá trình hoạt động tội phạm trước đây thì bất cứ lại khóa gì Thọ cũng mở được.
Được biết khi bị bắt trong người Tình có nhiều tiền, khoảng 10 triệu. Tình có khai lấy số tiền này ở đâu không?
Khi bị bắt, trong túi Tình có hơn 11 triệu. Quá trình hỏi sơ bộ ban đầu, Tình khai tiền này trước đây đi lao động có được và gửi lại mẹ.
Khi Tình bỏ trốn tìm về nhà thì gia đình đưa lại cho. Như thông tin chúng tôi nắm được, sau khi Tình ra thì gia đình đưa cho Tình 20 triệu. Tình có mua xe máy, điện thoại và các sim điện thoại.
Đại tá Phạm Trọng Điềm - Phó Cục trưởng Cục C47 - Bộ Công an trả lời các câu hỏi của báo chí |
Trong quá trình bỏ trốn Tình đã liên hệ với đàn em ở Lóng Luông để nhờ giúp đỡ chạy trốn. Cơ quan công an đã làm rõ hành vi của các đối tượng này chưa?
Không phải có 1 người giúp đỡ mà có nhiều người. Khi ra khỏi trại giam Tình đã nhờ điện thoại người đi đường để thông báo cho bố mẹ, bạn bè. Chúng tôi chưa thông tin sâu việc này. Khi xác định họ giúp sức thì Công an Hà Nội đã triệu tập.
Về nguồn gốc số tiền trên người Tình, ban đầu Tình khai là tiền lao động trước đây gửi lại mẹ. Khi trốn ra khỏi trại tạm giam, Tình đã lấy 20 triệu mua xe máy và mua nhiều điện thoại và sim.
Về hành vi giúp đỡ tử tù trong quá trình bỏ trốn, Bộ đã giao cho PC44 điều tra. Công an Hà Nội cũng đã thực hiện việc điều tra theo các quy định pháp luật.
Theo lãnh đạo Cục C47, nhận thức tử tù nguy hiểm ra ngoài xã hội có khả năng sẽ gây hậu quả khó lường, C47 đã triển khai lực lượng trên các tuyến, đánh giá các hướng di chuyển để vây bắt hắn. Việc truy bắt không bao giờ dễ dàng, nhất là kẻ nhiều kinh nghiệm, là mắt xích trong chuyên án C47 phá thành công, từng sống với Nguyễn Văn Tuân - đối tượng truy nã nguy hiểm lâu nay chưa bắt được. Tình thông thạo rừng núi, tiếp xúc nhiều đối tượng truy nã.
"Vụ này hết sức gian khổ, căng thẳng và phải nói là áp lực. Chậm một chút hắn có thể trốn ra nước ngoài" - Đại tá Điềm chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận