Thông tin trên được công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyển đổi số trong công an nhân dân lần thứ hai năm 2023, do Bộ Công an tổ chức sáng 10/10.
Theo Bộ Công an, trong những nhiệm vụ của năm 2023, Bộ đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khoá XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 24/6/2023.
Bộ Công an cũng ban hành Thông tư số 24/2023 ngày 1/7/2023 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8.
Ngoài ra, cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, thu nhận hơn 61,3 triệu hồ sơ định danh điện tử. Trong đó, cơ quan chức năng đã kích hoạt trên 39,3 triệu tài khoản, phối hợp Bộ Tài chính kết nối, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng thuế điện tử.
Đáng chú ý, Bộ Công an hoàn thành cung cấp 224/224 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền trên cổng dịch vụ công Bộ Công an. Trong đó, 11 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06; hoàn thành cắt giảm yêu cầu việc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú đối với 28 dịch vụ.
Đồng thời, cắt giảm yêu cầu nộp bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, bãi bỏ một số giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân đối với 58 dịch vụ.
Nhiều dịch vụ có tỷ lệ trực tuyến cao như: Cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước (91%); thông báo lưu trú (96%); thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy (98%); đăng ký, cấp biển số xe lần đầu (85%).
Ngoài ra, toàn quốc đã có hơn 12.500 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh sử dụng CCCD gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế (đạt 98.2%).
Cũng theo Bộ Công an, theo kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban chỉ đạo về chuyển đổi số, tính đến tháng 9 vẫn còn 13/38 nhiệm vụ chậm tiến độ. Trong đó, hai nhiệm vụ về hoàn thiện hành lang pháp lý, cho thấy việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý vẫn cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của tiến trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các thông tin, dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành cũng như trong nội bộ ngành công an còn chưa đồng bộ, chưa tích hợp với nhau; công tác số hóa, lưu trữ, quản lý sử dụng dữ liệu nhiều địa phương còn lúng túng, chưa chuẩn hóa dữ liệu đầu vào; chưa thực hiện cắt giảm được tối đa các giấy tờ, hồ sơ, đơn giản các thủ tục hành chính.
Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục khắc phục những điểm nghẽn, tồn tại trong 9 tháng đầu năm nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; nghiên cứu, phát triển, khai thác tối đa vai trò của ứng dụng VneID.
Bộ cũng đặt mục tiêu hoàn thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Công an.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận