Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự án Luật Dẫn độ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và hoàn thiện. Trong hồ sơ, cơ quan soạn thảo đã có báo cáo về kết quả thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong hoạt động dẫn độ, giai đoạn từ 2008 đến 2024.
Theo Bộ Công an, qua 15 năm triển khai thực hiện các quy định về dẫn độ, Bộ Công an với chức năng là cơ quan Trung ương về công tác dẫn độ, đã thực hiện tốt các quy định của Luật Tương trợ tư pháp, bảo đảm các yêu cầu về đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam với các quốc gia đối tác.
Bên cạnh đó, bộ máy thực hiện dẫn độ đã được xây dựng và kiện toàn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tính đến tháng 10/2024, công an các đơn vị, địa phương đã đề nghị hướng dẫn việc lập yêu cầu dẫn độ đối với 128 đối tượng truy nã bỏ trốn ra nước ngoài. Thông qua đó, Bộ Công an gửi 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến các cơ quan có thẩm quyền quốc tế, bao gồm 70 yêu cầu theo các hiệp định song phương và 28 yêu cầu theo nguyên tắc có đi có lại.
Đến nay, 16 đối tượng người phạm tội đã được dẫn độ về Việt Nam, phía nước ngoài từ chối dẫn độ 18 đối tượng và 2 yêu cầu đã kết thúc vì đối tượng bị yêu cầu dẫn độ qua đời hoặc bị bắt khi trở về Việt Nam.
Hiện, Bộ Công an đang tích cực đôn đốc các quốc gia đối tác giải quyết các yêu cầu dẫn độ còn lại.
Cũng theo cơ quan soạn thảo, Bộ Công an đã thực hiện dẫn độ 21 đối tượng cho phía nước ngoài, từ chối 7 yêu cầu dẫn độ với các lý do như: Đối tượng bỏ trốn hoặc không có mặt tại Việt Nam khi yêu cầu được gửi đến; đã được dẫn độ cho quốc gia khác hoặc đã đề nghị phía nước ngoài bổ sung thông tin nhưng không nhận được phản hồi...
Về đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, tính đến tháng 10/2024, Việt Nam đang là thành viên của 22 điều ước quốc tế và ký kết 10 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ, cùng 18 hiệp định song phương về dẫn độ.
Bộ Công an đánh giá, công tác triển khai các điều ước quốc tế về dẫn độ đã đạt được hiệu quả cao, với tỷ lệ giải quyết thành công lớn trong tổng số yêu cầu đã tiếp nhận và gửi đi. Việc ký kết và áp dụng các hiệp định song phương về dẫn độ được coi là một yếu tố quan trọng để củng cố cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Cơ quan này nhấn mạnh thêm, cần thiết phải hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước về dẫn độ, để phù hợp với các công ước và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề về dẫn độ.
Trao đổi thêm với Báo Giao thông, thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên (Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp của Bộ Công an) nhấn mạnh, Luật Dẫn độ khi được thông qua sẽ có tác động rất lớn đến những đối tượng phạm tội đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Theo ông Nguyên, trước đây, tội phạm có thể lợi dụng các vấn đề chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam để bỏ trốn ra nước ngoài nhằm thoát tội. Tuy nhiên, Luật Dẫn độ sẽ giải quyết tốt bằng những quy định chặt chẽ về các tồn tại này.
Ngoài ra, một nội dung khác được dư luận quan tâm đó là dự thảo Luật Dẫn độ đề xuất cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên hình phạt tử hình nhưng không thi hành hình phạt tử hình...
Cục Pháp chế nhấn mạnh đề xuất này nhằm hướng đến các đối tượng đang bỏ trốn ở nước ngoài với mục tiêu cao nhất là phải đưa bằng được các đối tượng về Việt Nam để trừng trị trước pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm ổn định an ninh, trật tự xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận