Tước GPLX thủ công, nhiều tài xế sẵn sàng bỏ bằng lái
Ngày 14/3, sau khi hoàn thiện dự thảo trình xin ý kiến Chính phủ về một số nội dung lớn trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã có đề xuất cụ thể về bổ sung quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe (GPLX) để đưa vào dự thảo.
Theo Bộ Công an, mỗi năm lực lượng cảnh sát giao thông xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tước hơn 500.000 bằng lái xe các loại.
Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tuy giảm nhưng còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người mà nguyên nhân chủ yếu do người lái xe không chấp hành luật.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn nhiều bất cập, một số công đoạn còn hình thức, dễ dãi; nhiều người được cấp GPLX nhưng không đủ tự tin để lái xe ra đường, kỹ năng lái xe kém, không nắm được các quy định của luật nhất là quy tắc tham gia giao thông.
Việc quản lý người lái xe sau sát hạch, cấp bằng lái đang bị buông lỏng; các cơ quan chưa có biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người lái xe.
"Mỗi năm, cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500.000 trường hợp GPLX, khi bị tước người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân", Bộ Công an đánh giá.
Đáng chú ý, việc tước GPLX đang thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép dẫn đến lãng phí, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Ngoài ra, qua nghiên cứu các nước họ đều có quy định trừ điểm GPLX với tài xế vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông.
Mỗi điểm trừ là tiếng chuông cảnh báo người vi phạm
Theo cơ quan chức năng, điểm và trừ điểm GPLX là biện pháp quản lý Nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy vừa có tính răn đe, vừa giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật của tài xế.
"Mỗi lần bị trừ điểm như tiếng chuông cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn", báo cáo nêu rõ và đề xuất, tài xế vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Khi GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điều này không ảnh hưởng đến các hoạt động, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Hình thức trừ điểm GPLX cũng sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Bộ Công an cho hay, Luật sẽ giao Chính phủ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi GPLX.
Theo đó, các hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao thì người vi phạm sẽ bị trừ điểm GPLX. Mức trừ cụ thể với một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu, đảm bảo không trùng chéo với các hình thức xử phạt hành chính.
Thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm sẽ đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu xử về sát hạch, cấp GPLX và hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính.
"Khi có quyết định xử phạt hành vi vi phạm mà bị trừ điểm, tài xế sẽ nhận được thông báo về việc trừ điểm, hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động trừ điểm", báo cáo đề xuất và nhấn mạnh, khi cán bộ chức năng và người vi phạm không có sự tiếp xúc, sẽ không phát sinh tiêu cực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận