Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp thẩm định dự án Luật CCCD sửa đổi. Dự án Luật CCCD do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, phối hợp với các bộ, ngành liên quan.
Theo đó, Luật CCCD sửa đổi sẽ gồm 7 chương, 46 điều; sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng so với quy định tại Luật CCCD năm 2014. Trong đó, có 6 nội dung mới đáng chú ý.
Dự thảo Luật CCCD sửa đổi có nhiều điểm mới so với Luật CCCD cũ
Ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam (VN), cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, luật còn áp dụng đối với người gốc VN đang sinh sống tại VN nhưng chưa xác định được quốc tịch; bổ sung một điều về quản lý người gốc VN; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho những người này.
Nội dung thể hiện trên CCCD sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số CCCD, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp CCCD thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú…
Dự thảo bổ sung quy định về quản lý, cấp CCCD cho công dân VN dưới 14 tuổi theo nhu cầu và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc VN.
Một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu CCCD sẽ được tích hợp vào CCCD: Thông tin thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, khi công dân đề nghị cấp lại CCCD thì không phải đến cơ quan quản lý CCCD để thực hiện thủ tục. Thủ tục cấp lại sẽ được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Dự thảo bổ sung quy định mới về CCCD điện tử. Theo đó, mỗi công dân chỉ có một CCCD điện tử là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng CCCD điện tử.
Theo đề nghị của Chính phủ, dự kiến Luật CCCD sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận