Xã hội

Bộ Công an nói gì trước những lo ngại về Luật An ninh mạng?

03/11/2018, 19:43

Người phát ngôn Bộ Công an trả lời nhiều vấn đề xung quanh Luật An ninh mạng được dư luận quan tâm.

NQH_0174

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018

Chiều tối 3/11, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018, Chánh Văn phòng Bộ Công an - Thiếu tướng Lương Tam Quang đã trả lời báo giới về dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đang được Bộ Công an lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có những lo ngại về bảo mật và tính khả thi khi yêu cầu các DN lưu trữ, đặt chi nhánh và văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Thiếu tướng Lương Tam Quang khẳng định, quy định về việc lưu trữ và đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam trong Luật An ninh mạng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông cũng đưa ra 4 vấn đề để chứng minh cho quan điểm này.

Trước hết, đã có 18 quốc gia thế giới có văn bản, luật quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Nga, Trung Quốc, Indonesia, Hy Lạp, Bungaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thuỵ Điển, Thổ Nhĩ Kỳ… Ngày 25/5/2018, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực và cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn xã hội theo hướng có thể tra cứu, thay đổi, xóa bỏ thông tin cá nhân của mình và các công ty cung cấp dịch vụ phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3 và nếu vi phạm thì mức phạt có thể lên đến 20 triệu euro hay 4% doanh số của toàn cầu.

Thứ hai, điều này phù hợp với khả năng của doanh nghiệp vì Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook đặt khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Google và Facebook đã đặt văn phòng đại diện tại Singapore, Indonesia và Malaysia.

Thứ ba, phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, trong đó các Luật Thương mại 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài là phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới  như Google và Facebook đang có hoạt động kinh doanh sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh của các văn bản này. Trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp cung cấp dịch nước ngoài như Google và Facebook phải mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.

Thứ tư, quy định này không trái với các cam kết quốc tế, bao gồm các hiệp ước liên quan đến WTO, CPTPP, cụ thể là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT năm 1994, Hiệp định chung về thương mại dịch vụ GATS, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và có điều khoản ngoại lệ về an ninh, tôn trọng đề cao an ninh quốc gia trong bất cứ hoạt động thương mại nào được đề cập trong các cam kết đó.

Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Nghị định này hiện Bộ Công an là đơn vị chủ trì, đã đăng dự thảo hướng dẫn Luật An ninh mạng lên Cổng thông tin của Bộ Công an, đề nghị các cơ quan tổ chức và nhân dân tham gia đóng góp để chúng tôi tiếp thu, giải trình và sớm báo cáo với Chính phủ ban hành theo quy định”.

Cung cấp thêm một số thông tin, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, Thủ tướng cũng nhận được một số  ý kiến của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp nước ngoài và các cơ quan ngoại giao. “Thực ra, việc ban hành Luật An ninh mạng rất cần thiết, Quốc hội thông qua rồi, bây giờ chúng  ta chỉ ban hành nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thi hành chi tiết, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019. Tinh thần hôm nay Thủ tướng cũng đưa ra vấn đề bảo toàn an ninh mạng và an ninh truyền thông là cần thiết”, Bộ trưởng nói.

Người phát ngôn Chính phủ cho rằng, cùng với vấn đề  an ninh lương thực, an ninh trật tự an toàn xã hội, an ninh mạng nằm trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, được nâng lên hàng đầu, nhằm đảm bảo môi trường tốt để thu hút đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng nghị định này là hết sức cẩn trọng, cân nhắc và Thủ tướng cũng đặt vấn đề, sẽ đưa ra thực hiện theo quy trình Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó đánh giá tác động, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp. 

“Quy trình này sẽ dành thời gian là 60 ngày để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong, ngoài nước và của nhân dân”, Bộ trưởng cho biết. Cũng theo ông, Thủ tướng cũng chỉ đạo trong xây dựng Chính phủ điện tử phải tập trung để xây dựng văn bản liên quan quy định vấn đề chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu thông tin nhân dân. Ông Dũng lưu ý, chúng ta đang tiến tới Chính phủ điện tử, tiến tới xã hội số thì phải bảo vệ, nếu không làm tốt sẽ bị lỗ hổng. 

“Vấn đề công bố, cung cấp như nào, bảo mật như nào và trách nhiệm đến đâu thì sau này tất cả được thể chế hoá, nghị định hóa cụ thể. Chúng ta sẽ quyết tâm làm sao sớm ban hành chi tiết thực hiện Luật An ninh mạng mà Quốc hội thông qua. Nói vậy để chúng ta yên tâm, đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia nhưng cũng tạo môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.