Xã hội

Bộ Công an thu nhận hơn 54 triệu hồ sơ đăng ký căn cước công dân gắn chip

22/06/2021, 12:28

Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã hoàn thành vượt mức, song còn nhiều thách thức trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 6 từ trái qua) cùng các đại biểu tham gia bấm nút vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và căn cước công dân ngày 22/6 tại Hà Nội

Ngày 22/6, Bộ Công an tổ chức Lễ tổng kết Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân tại Hà Nội.

Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng một số lãnh đạo các bộ, ngành khác.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đến nay, Bộ đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Cụ thể, hơn 164.000 thiết bị của dự án đều được kiểm soát chính hãng ngay từ nguồn gốc và được Cục Nghiệp vụ chuyên ngành của Bộ Công an kiểm tra kỹ lưỡng, bảo đảm an ninh-an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ để thẩm định quá trình thiết kế kỹ thuật, lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu hiện nay, đảm bảo an ninh-an toàn.

Ban Cơ yếu Chính phủ áp dụng giải pháp bảo mật cơ yếu, xác thực, ký số toàn vẹn dữ liệu, bảo mật kênh truyền cho hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng này.

Đã hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, tiến hành "làm sạch" dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc.

Đến nay, đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu, qua đó đồng loạt tiến hành cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc vào ngày 18/6/2021 vừa qua. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Về dự án sản xuất, cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, để bảo đảm cho nhân dân sớm được hưởng những tiện ích của thẻ căn cước mới, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai chiến dịch thu nhận hồ sơ để cấp 50 triệu thẻ căn cước trước ngày 1/7/2021.

Nhờ sự quyết tâm của toàn lực lượng nên chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ 1/3/2021 đến nay, đã thu nhận được hơn 54 triệu hồ sơ trên phạm vi toàn quốc để cấp thẻ căn cước, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra trước 1 tháng so với kế hoạch.

Bộ Công an đã tiến hành chạy thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, UBND các địa phương tại Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế...

Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ thử nghiệm kết nối các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai thử nghiệm kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kết nối với 33/63 UBND các địa phương...

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, việc thực hiện 2 dự án còn một số vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc về thông tin công dân cần được tiếp tục giải quyết như các trường hợp nhân khẩu đặc biệt liên quan đến xác định quốc tịch, tôn giáo… Sự đa dạng và di biến động về dân cư ở nước ta rất lớn, đặt ra nhiều áp lực cho công tác thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin.

Các nguy cơ về tấn công hệ thống, xâm nhập, lấy cắp dữ liệu luôn rình rập, đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu.

Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn khó khăn, nhiều hệ thống kỹ thuật của các bộ, ngành, địa phương chưa được đầu tư đồng bộ.

Việc in và trả thẻ căn cước công dân vẫn còn chậm, nguyên nhân khách quan từ việc thiếu nguồn cung vật liệu, chip điện tử do tác động của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Tập đoàn VNPT - đơn vị chủ trì về công nghệ của Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho hay, sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Công an; hợp tác hiệu quả với Trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chung tay kiến tạo phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trên cơ sở công dân số.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.