Nghiêm cấm việc lợi dụng tổng kiểm soát để nhũng nhiễu, tiêu cực
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình hình mới, Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container.
Bộ Công an đồng thời đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp thực hiện kế hoạch này.
Bộ Công an ban hành kế hoạch toàn quốc tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải (ảnh minh họa).
Kế hoạch nêu rõ, trước những diễn biến phức tạp của tình hình TTATGT trong thời gian gần đây, nhất là tai nạn giao thông (TNGT) do xe ô tô kinh doanh vận tải diễn ra vẫn chiếm từ 30-40% tổng số vụ TNGT đường bộ, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải.
Kế hoạch được triển khai từ ngày 1/8 - 15/10 và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I (từ ngày 1-14/8) sẽ tuyên truyền vận động chủ xe, chủ doanh nghiệp và lái xe chấp hành pháp luật, ký cam kết bảo đảm TTATGT.
Giai đoạn II (từ ngày 15/8 - 15/10) công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm.
Kế hoạch nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần hạn chế TNGT liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải hàng hóa bằng container, nhất là các vụ TNGT rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Qua tổng kiểm soát, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của chủ phương tiện và lái xe.
Đồng thời, phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container để kiến nghị các cơ quan chức năng các giải pháp khắc phục.
Việc tổng kiểm soát phải được cụ thể hóa phù hợp đặc điểm, điều kiện tình hình địa phương và thực hiện đồng bộ ở cả bốn cấp công an theo chức năng, nhiệm vụ, tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.
Tăng cường phối hợp với các lực lượng, nhất là các lực lượng thuộc ngành giao thông vận tải, kết hợp xử lý vi phạm có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, cũng nghiêm cấm việc lợi dụng tổng kiểm soát để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Các hành vi vi phạm nào được tập trung xử lý?
Theo kế hoạch, lực lượng CSGT trực tiếp tổ chức thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: xe đưa đón học sinh, công nhân, xe hợp đồng chở khách, xe buýt và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container.
Nghiên cứu nắm chắc thời gian, địa điểm, hành vi các phương tiện thường xuyên vi phạm để xây dựng kế hoạch, tập trung kiểm soát, xử lý có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.
Các hành vi vi phạm được tập trung xử lý như: Vi phạm về quy tắc giao thông và điều kiện của người điều khiển phương tiện và phương tiện; nồng độ cồn, ma túy; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, quá khổ, quá tải; tốc độ; vi phạm phần đường, làn đường; chở quá số người quy định...
CSGT sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, mọi hành vi lăng mạ, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Tổng kiểm soát tập trung vào các tuyến đường nào?
Việc kiểm soát sẽ tập trung vào các tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT, trước khi đi vào các tuyến đường đèo dốc, quanh co nguy hiểm, trơn trượt, tầm nhìn hạn chế, khu vực các điểm trung chuyển, đón, trả khách không đúng quy định, các tuyến đường khu vực kho cảng, bến bãi, khu công nghiệp, các tuyến quốc lộ trọng điểm, cao tốc.
Bộ Công an đề nghị tăng cường phối hợp với các lực lượng, nhất là các lực lượng thuộc ngành giao thông vận tải trong thực hiện tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với ngành giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, phát hiện lái xe có dương tính với chất ma túy và chất kích thích khác; gắn trách nhiệm các lực lượng với việc tổ chức kiểm soát từ nơi xuất phát, bến xe khách, điểm trung chuyển, đón trả hành khách, kho hàng, bến bãi, cảng, của khẩu, có biện pháp quản lý, giám sát.
Không kiểm định cho các trường hợp hết niên hạn sử dụng, thu hồi phù hiệu vận tải đối với các phương tiện thường xuyên có hành vi vi phạm, không chấp hành nội dung cam kết đã ký.
Đồng thời, rà soát việc lắp đặt camera giám sát, thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hoá bằng container; việc lưu trữ và truyền dẫn các thông tin (hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục...) về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải.
Kiểm tra về hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, việc quản lý lái xe, điều kiện của người điều khiển phương tiện tại các cơ sở của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động vận tải hành khách tại các địa điểm có hiện tượng “xe dù, bến cóc".
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, lái xe sẽ được tuyên truyền vận động ký cam kết thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn giao thông, không giao phương tiện cho người không đủ điều kiện.
Tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn của các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, hộ lan, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang, gờ giảm tốc tại các nút giao thông, đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế, những vị trí mở đường dân sinh.
Đánh giá, khảo sát xác định các điểm đen, điểm tiềm ẩn về TNGT, những vị trí, khu vực thường họp chợ, nơi có trường học, tập trung đông người dọc các tuyến giao thông chính, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để có giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm TTATGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận