Có thể xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo năm 2020
Sau khi có kết quả rà soát, đánh giá về tình hình sản xuất, tồn kho gạo trong nước, Bộ Công thương vừa có báo cáo trình Chính phủ, kiến nghị phương án xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn lúa, trong đó vụ đông xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn lúa, riêng sản lượng vùng ĐBSCL ước đạt 10,8 triệu tấn. Theo dự tính, vụ hè thu sản lượng ước đạt 11 triệu tấn lúa, trong đó Vùng ĐBSCL ước đạt 8,7 triệu tấn...
Bên cạnh đó, về nhu cầu tiêu dùng, dự trữ, Bộ NN&PTNT dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn lúa. Cụ thể, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; Phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; Phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; Dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; Dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn. Ngoài ra, hạn mặn tại ĐBSCL thiệt hại không đáng kể do không phải vùng chuyên canh lúa gạo. Theo tính toán, lượng lúa còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 6,5-6,7 triệu tấn gạo.
Về kết quả rà soát, số liệu đúng với thống kê của Bộ NN&PTNT và số liệu xuất khẩu đúng với thống kê của Tổng cục hải quan.
Bộ Công thương cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tính đến nay, tổng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,6 triệu tấn gạo. Trong đó, thời gian thực hiện bàn giao từ nay đến 31/5 là gần 1,4 triệu tấn. VFA cho biết, nếu tiếp tục xuất khẩu, lượng gạo vẫn còn dư do lượng gạo hiện có trong kho của 60/92 doanh nghiệp hội viên là 1,65 triệu tấn.
Ngoài ra, Tổng cục Dự trữ nhà nước sẽ mua vào 300.000 tấn gạo và giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng đảm bảo an ninh lương thực trong tháng 4-5/2020 vì đầu tháng 6 chúng ta đã thu hoạch vụ mùa mới.
Điều hành xuất khẩu gạo theo tháng
Căn cứ kết quả rà soát và các ý kiến của các tỉnh, thành ĐBSCL, các DN, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4-5/2020.
Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4-5/2020 vào khoảng 800.000 tấn, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Sau đó, xuất khẩu gạo tháng 5 sẽ căn cứ diễn biến dịch bệnh vào tuần cuối tháng 4 để xem xét dựa vào báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Tổng cục hải quan chịu trách nhiệm quản lý số lượng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 thông qua cộng dồn và trừ lùi số lượng theo tờ khai hải quan.
Việc xuất khẩu cũng phải tuân theo nguyên tắc như: Đăng ký tờ khai trước sẽ được xuất khẩu trước, số lượng mở tờ khai được trừ lùi vào tổng số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp không sử dụng tờ khai 15 ngày hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã mở theo tờ khai thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.
Tổng lượng đăng ký tờ khai xuất khẩu và tổng lượng xuất khẩu thực tế được thể hiện theo thời gian thực trên một trang mạng do Tổng cục hải quan thiết lập hoặc trên công dịch vụ công quốc gia để tất cả các doanh nghiệp và người dân có thể theo dõi.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra đề xuất 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thoả thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Trường hợp không thực hiện thoả thuận, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, Bộ Công Thương được quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận