Kinh tế

Bộ Công thương chuyển giao 2.308 tỷ đồng vốn nhà nước của Sabeco về SCIC

29/08/2020, 08:03

Bộ Công thương đã chuyển giao quyền đại diện sở hữu 2.308 tỷ đồng vốn nhà nước tại Sabeco về Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

img
36% vốn điều lệ của Sabeco được chuyển giao từ Bộ Công thương về SCIC quản lý. Ảnh IT

Theo thông tin từ Bộ Công thương, SCIC đã chính thức tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) từ Bộ Công thương vào chiều qua (28/8).

Như vậy, theo biên bản chuyển giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Sabeco chuyển giao về SCIC là hơn 2.308 tỉ đồng, chiếm 36% vốn điều lệ của Sabeco. Số cổ phần Nhà nước nắm giữ là 230.876.547 cổ phần.

Sabeco là doanh nghiệp đầu tiên theo Quyết định 908/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 29/6/2020 về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 chuyển về SCIC để thực hiện thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Phía Bộ Công thương cho rằng, các công việc liên quan giữa Bộ Công thương và SCIC đều được làm rõ trên tinh thần bảo đảm không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành.

Tiền thân của Sabeco là nhà máy bia Chợ Lớn thuộc hãng bia B.G.I. Ngày 6/5/2003 Sabeco được thành lập trên cơ sở Công ty Bia Sài Sòn và tiếp nhận các thành viên mới: Công ty Rượu Bình Tây; Công ty Nước giải khát Chương Dương; Nhà máy Thủy tinh Phú Thọ; Công ty Thương mại Dịch vụ Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn.

Việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco đã bắt đầu từ năm 2017 sau khi bán 53,59% vốn cho Công ty TNHH Vietnam Beverage do tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đầu tư.

Chính phủ đặt mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020 phải cổ phần hóa, thoái vốn 128 doanh nghiệp nhà nước tại các bộ, ngành…Tuy nhiên, báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) mới đây cho thấy, đến tháng 7/2020, mới có 37 doanh nghiệp hoàn tất thực hiện cổ phần hoá.

Như vậy, số doanh nghiệp phải cổ phần hóa, thoái vốn 5 tháng cuối năm còn tới 91, tương đương 71% kế hoạch.

Theo Bộ Tài chính, một trong các nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm lại hiện nay là do sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.