Ảnh minh họa |
Trong cuộc đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (16/3) với chủ đề "Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện", đại diện EVN đã vắng mặt. Hôm nay cũng là ngày mức tăng giá điện lên 7,5% được áp dụng.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đáng ra EVN phải có đại diện để nghe ý kiến dư luận nhưng EVN không có đại điện tham gia. Ông Long cho biết, từ 2007 tới nay, Việt Nam đã tăng giá điện 7 lần, lần tăng giá lần này là lần thứ 8 với biên độ lớn.
“Chính sự tăng cao này đã gây bức xúc cho người tiêu dùng. Tuy vậy, không phải họ không chia sẻ mà là không đồng thuận với sự thiếu minh bạch của EVN. EVN hoạt động chưa có hiệu quả lại đổ lên người tiêu dùng. Theo tôi, nếu họ đồng thuận thì phải minh bạch hơn trong chi phí và tính toán giá điện hợp lý”, chuyên gia này nói.
Trả lời về cách tính giá điện trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, EVN đã nỗ lực cố gắng và đã công khai chi tiết các yếu tố cấu thành nên giá điện.
Không đồng tình, ông Long lại cho rằng, việc tính toán chi phí giá là hết sức phức tạp. “Theo các báo cáo thì thấy, ban đầu ngành điện làm ăn có hiệu quả nhưng tất cả tổn thất do đầu tư ra ngoài ngành… lại đưa vào giá thành điện. Những khoản lỗ do quản trị kém lại để người tiêu dùng chịu thiệt”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Ngô Trí Long, khi EVN báo cáo, Bộ Công thương phần lớn lại đứng về nhà sản xuất mà ít đừng về phía người tiêu dùng và đưa ra ý kiến "giá điện tăng mọi người hưởng lợi" là chưa hợp ý. “Cơ quan chức năng nên công tâm, đứng ở vị trí trung gian để đánh giá”, ông Long nói.
Khi đề xuất tăng giá điện, EVN có so sánh giá giữa Việt Nam và thế giới, ông Long phản biện lại rằng EVN mới chỉ dựa vào giá đầu ra mà không dựa vào giá đầu vào ví dụ như mức lương hiện nay của Việt Nam không bằng các nước, bảo hiểm rủi ro… cũng không bằng. Chính vì vậy, sự so sánh giá của EVN ở đầu ra là bất hợp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận