Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm từ 15,2-45,6%
Theo báo cáo từ Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành chế biến, chế tạo giảm mạnh.
Cụ thể, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Hàng dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%; phân bón các loại giảm 45,6%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng chỉ khoảng 0,44% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, chỉ đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Tồn kho toàn ngành tăng cao. Ước tính tại thời điểm 30/6, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước; Ngành chế biến, chế tạo là 83,1%. Điều này cho thấy những khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng và tiêu thụ sản phẩm.
Nguyên nhân được Bộ Công thương chỉ ra: Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.
Đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Trong khi đó, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Thực tế, ông Cao Hữu Hiếu (Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex) bày tỏ, chưa bao giờ doanh nghiệp với hàng nghìn lao động phải nhận đơn hàng chỉ vài nghìn, thậm chí vài trăm sản phẩm. Đơn giá cũng giảm rất mạnh. Nhiều đơn vị sản xuất có giá gia công giảm tới 50%.
Giải pháp nào tăng tốc?
Bộ Công thương nhận định, bất ổn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, theo Bộ này, nền kinh tế có độ mở lớn, nên còn phụ thuộc phần nào vào đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Cạnh đó, các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam. Do vậy, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp khoảng 8-9%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu, thì nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất căng thẳng.
Nhiều mặt hàng sản xuất trong nước chịu cạnh tranh từ hàng giá rẻ các đối thủ như Ấn Độ, Mexico, Brazil.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, sẽ tập trung mạnh hơn vào các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để tăng xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Từ đó, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử.
Ngoài hỗ trợ về phát triển thị trường, hầu hết các doanh nghiệp mong muốn được tiếp sức từ chính sách thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian thanh toán nợ để doanh nghiệp không chịu áp lực về dòng tiền thanh toán.
Cùng đó, họ cũng muốn Nhà nước có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để trả lương cho lao động trong những tháng đơn hàng thiếu hụt.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 6/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận