Việc dừng huy động một phần công suất (172MW) của dự án điện mặt trời Trung Nam vừa qua được cho là không công bằng với nhà đầu tư tư nhân đầu tiên xây dựng dự án cùng đường dây 500KV, dự kiến giao lại với giá 0 đồng cho EVN này.
Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, hiện nay, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Công thương chưa ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình Nhà máy Điện mặt trời (NMĐMT) Trung Nam do chủ đầu tư thi công dự án không đúng thiết kế được thẩm định.
Về việc này, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cũng đã xử lý sai phạm về thi công công trình chưa đúng quy định và yêu cầu tháo dỡ phần vi phạm, chủ đầu tư đang thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh thiết kế xây dựng và hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định.
EVN cho rằng, việc dừng huy động 172 MW điện mặt trời của Trung Nam là đúng quy định
Theo đó, công trình NMĐMT Trung Nam (gồm nhà máy điện có công suất 450MW, trạm biến áp 500kV, các đường dây 220kV và 500kV đấu nối) chưa đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định tại khoản 3, Điều 23 Nghị định số 06 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Căn cứ các nội dung nêu trên, Bộ Công thương đã đề nghị Tỉnh ủy Ninh Thuận và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban ngành chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư NMĐMT Trung Nam khẩn trương tháo dỡ phần công trình vi phạm, có phương án điều chỉnh thiết kế xây dựng, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình và các thủ tục pháp lý theo quy định.
Đồng thời, rà soát tuân thủ quy định của pháp luật, báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức nghiệm thu và phối hợp với EVN để đưa phần công suất chưa có cơ chế giá của dự án vào vận hành theo quy định của pháp luật hiện hành.
Dự án điện mặt trời 450MW là dự án đầu tư có điều kiện được tỉnh Ninh Thuận lựa chọn. Theo đó, nhà đầu tư không chỉ làm nhà máy điện mà phải đầu tư xây dựng trạm biến áp 500 KV - đường dây 500KV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng và sẽ được khai thác toàn bộ công suất dự án điện mặt trời 450MW nhằm bù đắp chi phí của nhà đầu tư đã xây dựng trạm 500KV.
Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 277,88 trên tổng công suất 450MW của dự án có giá bán điện.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận và Bộ Công thương ngày 25/2, Tập đoàn Trung Nam cho rằng: Khi dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của EVN đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế và như vậy sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay.
Trong khi đó, các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500kV do chính nguồn vốn của nhà đầu tư đã bỏ ra để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải giải tỏa công suất.
Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian chờ bàn giao Trạm biến áp 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân với giá 0 đồng cho EVN, dự án vẫn tham gia hỗ trợ truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chịu chi phí truyền tải cho Trạm biến áp 500kV.
"Tuy nhiên, dự án 450MW đang bị cắt giảm công suất với tỷ lệ như các dự án điện mặt trời khác là một thiệt thòi và không công bằng cho nhà đầu tư", UBND Ninh Thuận khẳng định và cũng kiến nghị cần ưu tiên khai thác tối đa công suất nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW và sớm có giá bán cho lượng công suất điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa có giá bán.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện mặt trời chưa xác định giá mua điện, ưu tiên khai thác toàn bộ công suất nhà máy điện mặt trời 450 MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 200kV”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận