”Không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2”
Theo đó, ở cấp tiểu học, hướng dẫn tinh giản được xây dựng cho từng môn học của từng lớp học từ lớp 1 đến lớp 5. Cụ thể, có 9 môn học từ lớp 1 đến lớp 5 được điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II, gồm: Toán; Tiếng Việt; Khoa học; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Lịch sử và Địa lý; Âm nhạc; Thủ công/ Kỹ thuật; Thể dục.
Các nội dung cơ bản được giữ để đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; Chỉ tinh giản những nội dung nâng cao, yêu cầu vận dụng và vận dụng cao. Một số nội dung, yêu cầu trong bài học được giảm tải; Một số bài học được chuyển thành bài tự chọn, bài tự học ở nhà hoặc không tổ chức dạy học; Các nội dung tiết học gần nhau thuộc cùng một chủ đề được ghép thành một bài học theo chủ đề.
Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT lưu ý đối với môn Tiếng Việt lớp 1, căn cứ vào trình độ học sinh và giáo viên, các nhà trường chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học, đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng môn Tiếng Việt lớp 1 một cách chắc chắn. ”Không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2”, công văn nêu rõ.
Một số môn học có yêu cầu học sinh thực hiện việc đi điều tra, tìm hiểu ở môi trường địa phương xung quanh hoặc các hoạt động tìm hiểu mà đòi hỏi tiếp xúc gần với động vật… Bộ GD&ĐT hướng dẫn không yêu cầu học sinh thực hiện để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho các em.
Với các thí nghiệm yêu cầu học sinh thực hiện theo nhóm có thể thay bằng giáo viên tiến hành thí nghiệm chung trước lớp và yêu cầu học sinh tích cực tham gia xây dựng kiến thức như đưa ra phương án thí nghiệm, dự đoán hay rút ra kết luận từ kết quả thí nghiệm. Một số thí nghiệm đơn giản giáo viên hướng dẫn học sinh tự làm ở nhà.
Với môn Lịch sử và Địa lý, các bài học và nội dung tự chọn, Bộ hướng dẫn cơ sở giáo dục căn cứ vào quỹ thời gian của học kì II, đặc điểm vùng miền, đặc điểm học sinh và nhà trường, để quyết định thực hiện một trong các phương án: Không dạy học bài tự chọn; dạy học bài tự chọn nhưng rà soát, tinh giản để tập trung giải quyết các nội dung cốt lõi; Tổ chức thành bài đọc thêm cho học sinh có hướng dẫn của giáo viên.
Bộ yêu cầu các nhà trường rà soát, tinh giản, sắp xếp, kết hợp các bài học có nội dung liên quan thành một bài học/chủ đề cần đảm bảo các yêu cầu như đảm bảo nội dung cốt lõi của yêu cầu cần đạt theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; Tinh giản tối đa các nội dung kiến thức trùng lặp.
Đồng thời, ưu tiên thời gian tối đa để tổ chức dạy học các môn bắt buộc theo chương trình và tổ chức dạy học các môn tự chọn một cách phù hợp, tăng cường hình thức dạy học từ xa. Không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được giảm bớt, bài không dạy...
Khuyến khích học sinh tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện
Cùng với việc điều chỉnh nội dung dạy học ở cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng tinh giản nội dung đối với bậc THCS và THPT. Trong đó, với những môn thực hiện theo chương trình nâng cao, các nhà trường chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp với đặc thù môn học.
Đối với các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Các nhà trường không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung được ghi chú "không dạy", "không làm", "không thực hiện". Ngoài ra, khuyến khích học sinh tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận