Mới đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT có kết luận về việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH IDP (Việt Nam), trong đó khẳng định, năm 2022 đơn vị này tổ chức thi và cấp sai quy định hơn 56.000 chứng chỉ IELTS. Trước thông tin này, nhiều người đặt ra câu hỏi về quyền lợi của những người đã được cấp chứng chỉ trong giai đoạn này.
Ngày 9/5, phía Công ty TNHH IDP khẳng định "các chứng chỉ được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận. Đồng thời, IDP sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT để đảm bảo tuân thủ theo mọi yêu cầu của cơ quan quản lý các cấp sở tại".
Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT ngày 8/5/2024, từ ngày 9/9/2022 trở về trước, Công ty IDP chưa làm hồ sơ phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định về hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Từ ngày 17/11/2022, Bộ GD&ĐT mới có các quyết định cho phép IDP cùng các bên Việt Nam liên kết với IELTS Australia Pty Ltd tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS tại các địa điểm theo quyết định.
Tuy nhiên, từ tháng 1-9/2022, Công ty TNHH giáo dục IDP dù chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài nhưng đã tự ý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ cho 46.643 người. Từ tháng 9-11/2022, tổ chức thi và cấp 9.687 chứng chỉ.
Thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam của Công ty TNHH Giáo dục IDP.
Như vậy, theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, thì 56.230 chứng chỉ này sẽ không có giá trị khi xét tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển đại học.
Chia sẻ ý kiến về vụ việc này, một chuyên gia giáo dục cho hay, IDP chưa được Bộ cấp phép trong giai đoạn đó nhưng chứng chỉ IELTS này vẫn phản ánh được năng lực tiếng Anh của thí sinh. Nguyên nhân là do chính sách của Bộ thay đổi, chứ không phải do năng lực và tư cách pháp nhân của IDP, vì trước đó họ vẫn tổ chức thi và cấp chứng chỉ này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận