Đăng kiểm là một trong những lĩnh vực rút gọn nhiều thủ tục hành chính, giúp ngành GTVT thăng hạng (Trong ảnh: Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 10, Hải Phòng kiểm tra chi tiết máy tàu biển) - Ảnh: Khánh Linh |
Đây là kết quả sau nhiều năm Bộ GTVT quyết liệt thực hiện cải cách, đổi mới với phương châm phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.
Điểm trung bình cao nhất 19 Bộ, ngành
Sáng 17/8, tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 4 năm giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC 2016-2020 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số CCHC 2015 (PAR INDEX 2015) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Theo Bộ Nội vụ, chỉ số CCHC của Bộ GTVT liên tục tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2012, Bộ GTVT đạt chỉ số 80,58 điểm; Năm 2013, đạt 81,06; Năm 2014, đạt 81,83 và năm 2015, tăng cao nhất với chỉ số đạt 88,77. Tính trung bình chỉ số CCHC của Bộ GTVT trong 4 năm đạt 83,06 – cao nhất trong nhóm 19 bộ, cơ quan ngang bộ. Giá trị tăng của năm 2015 so với năm 2014 lên tới 6,94 điểm.
Trung bình chỉ số CCHC của các Bộ qua 4 năm: Bộ GTVT dẫn đầu với 83,06 điểm. Thứ hai là Bộ Tài chính (81,92). Bộ Tư pháp xếp thứ ba (81,69). Tiếp đến là Bộ Ngoại giao (81,34), Ngân hàng Nhà nước (80,80), Bộ Nội vụ (79,81)... Ủy ban Dân tộc đứng cuối bảng với 72,69 điểm. Về phía địa phương, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu trong CCHC với 93,31 điểm, sau đó là Hải Phòng với 92,59, Đồng Nai 92,53. Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số là tỉnh Điện Biên (74,99). |
Cũng theo Bộ Nội vụ, riêng năm 2015, Bộ GTVT cùng với Ngân hàng Nhà nước VN và Bộ Tài chính là ba bộ, ngành dẫn đầu chỉ số CCHC. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước VN 89,42 điểm. Chỉ số trung bình 4 năm của Ngân hàng Nhà nước VN ở mức 80,80. Bộ Tài chính năm 2015 đạt chỉ số 89,21, trung bình 4 năm đạt 81,92.
Giá trị trung bình chỉ số CCHC của 19 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2015 đạt mức khá cao là 85,3%, cao nhất trong 4 năm triển khai thực hiện xác định chỉ số CCHC, cao hơn so với năm 2014 là 8,31% (năm 2014 đạt giá trị trung bình 76,99%). Bộ Nội vụ cũng cho biết, chỉ số CCHC năm 2015 cho thấy không có bộ, cơ quan ngang bộ nào có kết quả giảm điểm so với kết quả của năm 2014.
Theo Bộ Nội vụ, ý nghĩa quan trọng của xác định chỉ số CCHC năm 2015 không chỉ để so sánh giữa bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương với nhau về mức độ CCHC của năm đánh giá mà quan trọng hơn là cho thấy mức độ CCHC của các bộ, các tỉnh so với các năm trước và cả quá trình triển khai thực hiện CCHC giai đoạn I (2011-2015). Bức tranh tổng thể này cho thấy những thay đổi của các bộ, các tỉnh trong công tác chỉ đạo đẩy mạnh CCHC của mình và những thay đổi trong kết quả triển khai trên các nội dung CCHC được ban hành tại Nghị quyết 30c/NQ-CP.
Việc quy hoạch tuyến, thủ tục đăng ký vào tuyến, cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải được đơn giản hóa giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh - Ảnh: Ngô Vinh |
CCHC là công tác đột phá, quan trọng nhất của ngành GTVT
Chia sẻ về kết quả CCHC của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, năm nay có điểm mới là Chính phủ xếp chỉ số trung bình 4 năm. Trong đó, Bộ GTVT đứng đầu với tổng điểm là 83,06. Riêng năm 2015, Bộ GTVT là một trong 3 bộ, ngành dẫn đầu. Trong đó, cả 6 chỉ số về: Chỉ đạo điều hành, thể chế; CCHC; Cải cách bộ máy hành chính, mức độ hài lòng của người dân... Bộ GTVT đều nằm ở Top đầu.
“Để có được kết quả này, trong 4 năm qua, Bộ GTVT luôn coi việc CCHH là công tác đột phá, quan trọng nhất của công tác quản lý Nhà nước, đồng thời phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Bộ đã thành lập riêng Ban chỉ đạo CCHC do trực tiếp Bộ trưởng phụ trách”, Thứ trưởng Trường nói.
Công tác CCHC không chỉ được thực hiện ở Bộ GTVT mà được triển khai sâu rộng đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành. Bộ GTVT coi việc thực hiện CCHC là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp.
“Bộ GTVT là đơn vị đi đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, CPH các doanh nghiệp. Hiện, bộ đã cơ bản CPH xong khối DN sản xuất kinh doanh. Thực hiện tái cơ cấu toàn ngành, Bộ GTVT đã đăng ký với Thủ tướng Chính phủ hàng năm giảm 10% định biên. Cùng đó, bộ cũng đi đầu trong việc thi tuyển cán bộ quản lý. Sau khi Thủ tướng đưa ra đề án tổng thể về thi tuyển cán bộ, lãnh đạo, Bộ GTVT là một trong những bộ, ngành đăng ký triển khai thí điểm đầu tiên”, Thứ trưởng Trường chia sẻ.
Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh, chỉ số mức độ hài lòng của người dân với Bộ GTVT năm nay tăng rất cao. Năm ngoái, Bộ GTVT chỉ 60 điểm, nhưng năm nay đã lên 80 điểm. Có được điều này, hàng năm để kiểm tra mức độ hài lòng của người dân, Bộ GTVT cùng VCCI thường xuyên đánh giá mức độ hữu dụng của các VBQPPL; Thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. “Dù liên tục dẫn đầu CCHC, nhưng Bộ GTVT không bao giờ có tư tưởng chủ quan, dừng lại mà luôn nỗ lực khắc phục tồn tại, thường xuyên chỉnh sửa, bổ sung, thậm chí bãi bỏ ngay các văn bản không phù hợp với thực tiễn”, Thứ trưởng Trường nói và tin tưởng giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện CCHC, cải thiện các chỉ số còn thấp với mục tiêu phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.
Là một trong những lĩnh vực có nhiều sự đổi mới, đột phá trong CCHC, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, chỉ trong thời gian ngắn đã đơn giản hóa 26/68 thủ tục hành chính. Đến cuối năm 2016, Cục Đăng kiểm VN tiếp tục triển khai, áp dụng hình thức giải quyết trực tuyến mức độ 3-4 đối với các nhóm thủ tục thuộc lĩnh vực phương tiện được sản xuất, lắp ráp trong nước và đường sắt. Bên cạnh đó, các công việc của cục từ lãnh đạo cao nhất đến cán bộ thực hiện tại hiện trường đều được cụ thể hóa trong 64 quy trình. “Cục Đăng kiểm VN đã thực hiện niêm yết công khai thủ tục, quy trình thực hiện các thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu liên quan và đẩy mạnh công khai trên trang điện tử để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng”, ông Hình cho biết.
Chia sẻ về nỗ lực CCHC của Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN đánh giá, 4 năm trở lại đây, Bộ GTVT đã có những bước tiến vượt bậc. Bộ GTVT luôn tích cực, chủ động tổ chức những cuộc đối thoại định kỳ với doanh nghiệp vận tải để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi nhất.
Ông Thanh lấy ví dụ: “Việc quy hoạch tuyến, thủ tục đăng ký vào tuyến, cấp phù hiệu, cấp, đổi giấp phép kinh doanh vận tải được tháo gỡ theo hướng đơn giản hóa. Cơ chế xin - cho dần được xóa bỏ, giúp doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, minh bạch hóa thị trường vận tải”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận