Không cấm việc cải tạo xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ
Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc người dân hiểu nhầm cấm xe limousine hoạt động được quy định tại Nghị định 47/2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải).
Văn bản do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký cho biết, sau khi Nghị định 47 được ban hành, dư luận đã có sự hiểu nhầm rằng các loại xe Limousine, Dcar được cải tạo từ xe 16 chỗ xuống 10 chỗ (kể cải người lái) sẽ bị cấm hoạt động nên đã có kiến nghị xem xét nội dung này.
Các loại xe đã cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ hiện nay vẫn được phép hoạt động - Ảnh minh họa
Bộ GTVT khẳng định, nội dung quy định cấm tải tạo xe từ 10 chỗ trở lên thành xe từ 10 chỗ trở xuống để kinh doanh vận tải tại Nghị định số 47 không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải (kể cả các loại xe Limousine, Dcar) do các phương tiện này đều có sức chứa từ 10 chỗ trở lên.
Hơn nữa, Nghị định số 47 cũng đã có quy định chuyển tiếp để đảm bảo tính chặt chẽ và có tính kế thừa (không hồi tố). Theo đó nếu có trường đã hoán cải trước khi nghị định có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng cho hết niên hạn của phương tiện theo quy định
"Nghị định 47 chỉ không cho phép sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ để kinh doanh vận tải hành khách. Nghị định không cấm việc cải tạo xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ để phục vụ vận chuyển nội bộ hoặc phục vụ nhu cầu cá nhân", Bộ GTVT cho hay.
Bộ GTVT cũng cho biết, thống kê từ cơ sở dữ liệu kiểm định, tính đến thời điểm hiện nay, số lượng ô tô khai báo kinh doanh vận tải từ 7 chỗ trở xuống có hơn 84.700 xe, từ 8 đến 9 chỗ có hơn 9.600 xe; từ 10 chỗ trở lên có hơn 106.500 xe.
"Hiện xuất hiện loại xe ô tô trên 10 chỗ kể cả người lái được cải tạo về loại xe từ 10 chỗ ngồi trở lên và khai báo kinh doanh vận tải. Mục đích của việc cải tạo này là để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách nhưng không làm thay đổi loại hình phương tiện. Hiện cũng chưa xuất hiện phương tiện cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ và khai báo có kinh doanh vận tải", Bộ GTVT cho hay.
Không sử dụng xe cải tạo từ 9 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 9 chỗ để kinh doanh taxi
Lý giải về quy định cấm xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ để kinh doanh vận tải hành khách, Bộ GTVT cho biết, Nghị định 10/2020 không cho phép sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 9 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 9 chỗ hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và không sử dụng xe cải tạo từ 9 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 9 chỗ để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Quy định này nhằm ngăn ngừa việc cải tạo phương tiện từ xe có sức chứa 16 chỗ thành xe dưới 9 chỗ để kinh doanh taxi, có chiều rộng cơ sở của xe lớn, dẫn đến chiếm dụng diện tích mặt đường, nhất là tại nội thành các thành phố lớn, làm tăng ùn tắc giao thông.
Trên cơ sở ý kiến của các Bộ Công an, Tư pháp và tình hình thực tế, cũng như đánh giá tác động, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy định không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ để kinh doanh vận tải hành khách 6 tháng đến 1 năm.
"Sau thời gian này sẽ sơ kết đánh giá lại. Nếu chính sách có tác động tốt cho công tác tổ chức giao thông tại đô thị lớn mà ảnh hưởng ít đến hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải thì tiếp tục cho thực hiện. Nếu tác động lớn và không tốt đến đơn vị kinh doanh vận tải và người dân thì cho sửa đổi, điều chỉnh", Bộ GTVT kiến nghị.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho rằng, xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nếu muốn hoạt động taxi phải đăng ký kinh doanh. Xe từ 9 chỗ trở xuống dù kinh doanh hay không kinh doanh vận tải phải chịu biểu thuế của xe con là 12% khi đăng ký. Đối với xe từ 10 chỗ trở lên áp dụng cho xe kinh doanh hay không kinh doanh thì thuế chỉ có 2%.
“Xe 16 chỗ không hoán cải được thành xe dưới 10 chỗ. Lý do là các biểu giữa hai loại xe này khác nhau về thuế nhập khẩu và thuế đăng ký phương tiện. Đây là việc mà không doanh nghiệp nào dại mà làm cả. Không thể tìm được ở Việt Nam có xe nào hoán cải từ 10 chỗ trở lên xuống dưới 10 chỗ”, ông Bằng khẳng định.
Giải thích về ý kiến cho rằng các loại xe Limousine hoán cải ngay từ nơi sản xuất, ông Bằng cho rằng, không thể làm được việc này. Hoán cải ngay tại nhà máy cũng liên quan đến biểu thuế.
“Nếu nhà sản xuất nhập linh kiện lắp ráp xe 10 chỗ trở lên thùi được ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế nhập khẩu theo xe kinh doanh vận tải mức thuế sẽ thấp. Nếu nhập linh kiện để lắp cho xe từ 10 chỗ trở xuống phì phải chịu mức thuế theo xe thương mại là xe con với mức thuế cao hơn rất nhiều”, ông Bằng nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) cho rằng, cần hiểu đúng về quy định tại Nghị định 47 không cho phép hoán cải xe trên 10 chỗ xuống dưới 10 chỗ để chở khách.
“Xe từ 9 chỗ trở xuống là xe taxi nên Cục Đăng kiểm VN sẽ không cho phép xe hoán cải loại xe 16 chỗ thành xe dưới 10 chỗ để biến nó thành taxi đi vào nội đô thành phố gây ùn tắc”, ông Hà nói.
"Quá trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020, Bộ Công an đã góp ý quy định không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ để kinh doanh vận tải hành khách nhằm mục tiêu để ngăn chặn việc cải tạo giảm số chỗ, “lách luật” khi tham gia giao thông, lưu thông vào khu vực hạn chế, khu vực nội thành, nội thị gây mất trật tự ATGT, ùn tắc giao thông. Bộ GTVT đã đồng thuận và tiếp thu để sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 47/2022", Bộ GTVT cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận