Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký bàn giao bàn giao giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp |
Chiều nay (12/11), Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức lễ ký biên bản giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 5 tổng công ty từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, 5 tổng công ty được bàn giao từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, gồm: TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines), TCT Cảng hàng không VN (ACV), TCT Đường sắt VN (VNR), TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và TCT Hàng hải VN (Vinalines).
Phát biểu tại lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sự tích cực, chủ động, trách nhiệm của Bộ GTVT và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để việc chuyển giao được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 131/2018.
Theo Phó Thủ tướng, 5 TCT được chuyển giao từ Bộ GTVT về Ủy quan Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có tổng tài sản hơn 275.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 48 nghìn tỷ đồng và vốn Nhà nước hơn 46.000 tỷ đồng.
“Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực chất là chúng ta triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tập trung, chuyên trách, thay vì mô hình phân tán chủ sở hữu vốn Nhà nước như trước đây”, Phó Thủ tướng nói và cho biết, khi thực hiện mô hình này sẽ phân định chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước của các bộ, ngành.
“Việc chuyển cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước phân tán từ các bộ về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không làm suy giảm mà ngược lại còn tạo điều kiện để các bộ, ngành làm tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, việc chuyển giao 5 TCT thuộc Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm thực hiện công tác quản lý các doanh nghiệp theo mô hình mới. Mục tiêu là để hoạt động của các tổng công ty này ngày càng hiệu quả hơn, quản lý chặt chẽ hơn và sử dụng nguồn vốn nhà nước một cách tốt nhất.
“Dù đã bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nhưng trong giai đoạn sắp tới, hoạt động sản xuất kinh doanh của 5 TCT chắc chắn có nhiều vấn đề liên quan đến Bộ GTVT. Chúng tôi luôn xem 5 TCT này như những người anh em thân thiết, vì 5 tổng công ty đã gắn bó chặt chẽ trong suốt lịch sử phát triển của ngành GTVT. Hơn nữa, quá trình phát triển và trưởng thành của 5 TCT này trong suốt thời gian vừa qua luôn gắn liền với Bộ GTVT, kể cả những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn thể phát biểu tại buổi lễ |
“Với trách nhiệm của Bộ GTVT, chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước để tham gia ý kiến hoặc đề xuất các giải pháp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để có thể trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ để giải quyết căn bản những vấn đề còn đang vướng mắc tồn tại ở các tổng công ty, đặc biệt là ở VEC, ACV, TCT Đường sắt Việt Nam,…”, Bộ trưởng chia sẻ.
"Lãnh đạo Bộ và các đơn vị trong ngành GTVT sẽ luôn sát cánh, đồng hành với các đồng chí để cố gắng giúp cho các tổng công ty hoạt động một cách hiệu quả. Hoạt động theo mô hình mới dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, sự phối hợp của Bộ GTVT, tôi có niềm tin 5 tổng công ty này sau khi được bàn giao sẽ hoàn thành tốt hơn vì được tăng cường kiểm tra, giám sát nhiều hơn, được sự quan tâm nhiều hơn, do đó hoạt động sẽ hiệu quả hơn”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận