Suất vốn đầu tư dự án BOT sau khi tách riêng lãi vay trong quá trình xây dựng tương tự như các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước |
Giá thành xây dựng BOT thấp hơn khung tiêu chuẩn
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện các dự án BOT, BT do Bộ GTVT tổ chức sáng nay (7/6), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, từ giữa năm 2014, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát TMĐT, suất vốn đầu tư, giá xây dựng tổng hợp của tất cả các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo kết quả rà soát, TMĐT và suất vốn đầu tư các dự án BOT sau khi tách riêng chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng tương tự như các dự án sử dụng vốn Nhà nước và giá xây dựng tổng hợp hạng mục công trình thì tương tự như các dự án vốn Nhà nước và tương đương suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp theo công bố của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, đối với đoạn quy mô mặt cắt ngang trung bình 20,5m, giá xây dựng tổng hợp ở các dự án BOT khoảng 26,63-33,50 tỷ đồng/km, tại các dự án vốn TPCP khoảng 29,78-37,67 tỷ đồng/km. Trong khi, theo công bố của Bộ Xây dựng tại Quyết định 439 ngày 26/4/2013 giá xây dựng trung bình khoảng 37,02 tỷ đồng/km.
Các đoạn quy mô mặt cắt ngang trung bình 12m, giá xây dựng tổng hợp ở các dự án BOT khoảng 16,51-18,60 tỷ đồng/km. Tại các dự án vốn TPCP khoảng 18,25-20,75 tỷ đồng/km. Theo công bố của Bộ Xây dựng tại Quyết định 439 của Bộ Xây dựng giá xây dựng khoảng 23,25 tỷ đồng/km.
Đối với các công trình theo hình thức BOT như: Cầu Việt Trì, cầu Thái Hà, cầu Yên Xuân,... giá xây dựng tổng hợp của dầm hộp đúc hẫng khoảng 48-53 triệu đồng/m2 (khẩu độ dầm 90m); nhịp dẫn giản đơn khoảng 17-23 triệu đồng/m2 (dầm Super T khẩu độ 40m). Tại các dự án vốn TPCP đã duyệt, giá xây dựng tổng hợp của hạng mục tương ứng khoảng 48-59 triệu đồng/m2 (dầm hộp đúc hẫng khẩu độ 90m) và 21-29 triệu đồng/m2 (đối với cầu sử dụng dầm Super T khẩu độ 40m). Theo công bố của Bộ Xây dựng tại Quyết định số 439, giá xây dựng tổng hợp khoảng 40,44 triệu đồng/m2 (chỉ công bố dầm hộp đúc hẫng khẩu độ <100m) và 30,49 triệu đồng/m2 (đối với cầu sử dụng dầm Super T khẩu độ 40m).
Tổng mức đầu tư xác định bằng giá trị quyết toán
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, theo quy định tại Thông tư số 04/2010, Bộ Xây dựng còn cho phép tính TMĐT dựa theo suất vốn đầu tư xây dựng công trình hoặc theo số liệu của dự án công trình tương tự, TMĐT chỉ là cơ sở để bố trí kế hoạch vốn. Đối với dự án BOT, tổng mức đầu tư là cơ sở để xác định sơ bộ thời gian hoàn vốn làm cơ sở đàm phán hợp đồng tín dụng và hợp đồng dự án.
Để đảm bảo thời gian hoàn vốn đúng chi phí thực tế, tránh thất thoát, Bộ GTVT và nhóm công tác liên ngành đã quy định rõ trong hợp đồng, căn cứ giá trị đầu tư được quyết toán (sau khi đã cập nhật ý kiến của các cơ quan thanh tra, kiểm toán) làm TMĐT chính thức để xác định thời gian thu phí hoàn vốn.
Việc lập TMĐT cơ bản tuân thủ quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhiều quy định các bộ, ngành vẫn có cách hiểu khác nhau như chi phí nhân công, phụ cấp không ổn định sản xuất theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và kết luận Thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từng chủ thể trong quá trình lập và thẩm định TMĐT còn một số tồn tại, nhầm lẫn, sai sót về lựa chọn giá vật liệu, xác định chi phí vận chuyển, tính toán khối lượng....
Xử nghiêm tập thể, cá nhân mắc sai sót
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, theo quy định của pháp luật về xây dựng, chủ đầu tư có thẩm quyền phê duyệt thiết kế và dự toán. Trên thực tiễn, quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, năng lực các nhà đầu tư chưa cao, đây có thể là kẽ hở để dẫn đến sai phạm, cần phải đánh giá và điều chỉnh phù hợp.
Xuất phát từ thực tế đó, để tăng cường công tác giám sát, kiểm soát giá thành, Bộ GTVT chỉ đạo các nhà đầu tư lựa chọn Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) là đơn vị thẩm tra dự toán và việc sử dụng dự phòng phí phải được Bộ GTVT chấp thuận.
Trong năm 2014, Bộ GTVT đã thành lập các tổ rà soát thiết kế và dự toán do các đồng chí Thứ trưởng chủ trì. Qua đó, đã phát hiện nhiều tồn tại về giải pháp thiết kế, về dự toán và yêu cầu nhà đầu tư phải điều chỉnh nhiều giải pháp kỹ thuật để giảm kinh phí. Cùng với việc quản lý chặt chẽ và đặc biệt nhờ chính sách điều hành kinh tế phù hợp, lãi suất giảm, chỉ số CPI thấp nên nhiều dự án không phải sử dụng chi phí dự phòng về khối lượng và trượt giá, giảm chi phí lãi vay.
“Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, các cơ quan cũng đã phát hiện nhiều sai sót của các doanh nghiệp dự án trong việc phê duyệt dự toán. Trên cơ sở kết luận của các đơn vị thanh tra, kiểm toán, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các tập thể, cá nhân kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận