Giao thông

Bộ GTVT cung cấp thông tin về BOT giao thông tới báo chí

06/12/2017, 09:22

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã cung cấp khá toàn diện về việc thu hút vốn đầu tư BOT giao thông thời gian qua.

BOT

Lãnh đạo Cục Báo chí đánh giá báo chí đã làm nóng vấn đề không cần thiết tại BOT Cai Lậy.

Ngày 5/12, tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã cung cấp khá toàn diện về việc thu hút vốn đầu tư BOT giao thông thời gian qua.

Ông Đông cho biết, những năm qua, nhu cầu về vốn đầu tư phát triển hạ tầng hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm. Thực hiện Nghị quyết 13 của BCH Trung ương Đảng về thu hút vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa, những năm qua, Bộ GTVT đã thu hút được hơn 200.000 tỷ đồng. Nhờ đó, hệ thống đường giao thông được cải thiện, đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, giảm gánh nặng nợ công.

“Do nguồn vốn Nhà nước còn khó khăn, nên theo Nghị quyết 13 của Trung ương và Nghị định 108 của Chính phủ, việc thu hút vốn đầu tư BOT cho phép làm trên các tuyến đường nâng cấp và cải tạo. Nên trong số 88 dự án BOT giao thông hiện nay, chủ yếu được triển khai trên các tuyến đường độc đạo theo hình thức nâng cấp và cải tạo hoặc làm tuyến tránh như BOT Cai Lậy kết hợp với cải tạo nâng cấp QL1 qua Tiền Giang, chỉ những tuyến cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai… là làm đường mới, dân có lựa chọn. Vì thế, nếu nay xem xét hồi tố lại toàn bộ các dự án này sẽ rất khó khăn”, ông Đông nói và mong nhận được sự chia sẻ của các cơ quan báo chí để truyền thông cho người dân hiểu, tránh hiệu ứng lan truyền, đẩy một vấn đề kinh tế thành những bất ổn xã hội như Thủ tướng đã chỉ đạo.

Cũng theo ông Đông, từ năm 2016, khi tổng kết 5 năm thu hút vốn đầu tư BOT giao thông, Bộ GTVT đã nhận ra những bất cập của chính sách và đã báo cáo Chính phủ để chấm dứt ngay việc đầu tư BOT giao thông trên các tuyến độc đạo, để dân có lựa chọn. Và nay, Bộ GTVT đang thực hiện đúng tinh thần này theo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ QH.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Báo chí và Cục Phát thanh truyền hình (Bộ TT&TT) cho biết, chỉ trong vài ngày kể từ khi BOT Cai Lậy thu phí trở lại có đến 1.595 bài viết của các báo về BOT Cai Lậy. Theo đánh giá của cơ quan này, báo chí đã làm nóng vấn đề không cần thiết, thậm chí có báo còn vượt ra ngoài chức năng của một cơ quan báo chí, truyền thông kích động khi giật tít theo kiểu chỉ đạo “phải dời ngay trạm BOT Cai Lậy”…

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì giao ban cho rằng, việc tuyên truyền với tần suất quá nhiều về BOT Cai Lậy, trong đó có nhiều bài viết quá khích đã gây ảnh hưởng lớn đến chủ trương thu hút vốn đầu tư BOT giao thông. Đây là vấn đề các cơ quan báo chí cần rút kinh nghiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.