Hiện nay, Bộ GTVT dự kiến sẽ điều chỉnh trên 730 định mức; trong đó ưu tiên thực hiện sớm 550 định mức ảnh hưởng lớn đến giá thành công trình |
Theo bà Lã Hồng Hạnh, dù được Bộ Xây dựng công bố chung và thường xuyên tiến hành rà soát để điều chỉnh, bổ sung, nhưng hệ thống định mức dự toán xây dựng hiện hành vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Cụ thể, hệ thống định mức chủ yếu được xây dựng từ lâu, trên cơ sở công nghệ, thiết bị thi công lạc hậu, năng suất lao động thấp nên chưa theo kịp tiến độ khoa học kỹ thuật và các công nghệ mới, dẫn đến giá trị dự toán chi phí xây dựng không phản ánh được chính xác chi phí thực tế thi công công trình.
“Hệ thống định mức được sử dụng chung cho nhiều loại công trình xây dựng, số lượng định mức đã công bố còn chưa đủ, chưa quy định rõ điều kiện áp dụng,… dẫn tới cách hiểu khác nhau giữa các đơn vị tham gia quản lý và kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng”, bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, đối với hệ thống định mức xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hiện Bộ GTVT đã rà soát theo điều kiện thiết bị và công nghệ thi công hiện nay, đối chiếu với hệ thống định mức đã công bố, trên cơ sở đó, Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh trên 730 định mức; trong đó ưu tiên thực hiện sớm 550 định mức ảnh hưởng lớn đến giá thành công trình, như: định mức đào/đắp đất nền đường, thi công kết cấu mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, thoát nước, thi công các kết cấu công trình cầu…
“Hiện có nhiều công trình kết cấu hạ tầng phức tạp mà nhiều hạng mục công việc thuộc về bí quyết, công nghệ riêng của nhà thầu thi công như: căng kéo cáp dây văng, thi công trụ tháp bắng khuôn trượt, khuôn leo, thiết bị đường sắt đô thị… việc xây dựng định mức gần như không thể thực hiện được”, bà Hạnh nói và đề nghị cần xây dựng cơ chế để xác định giá xây dựng thông qua giá bỏ thầu hoặc qua suất đầu tư của các công trình tương tự đã thực hiện trước đó nhằm phản ánh đúng chi phí thi công thực tế, tránh trường hợp áp giá quá cao hoặc quá thấp, gây khó khăn cho việc lựa chọn nhà thầu hoặc tạo ra tham nhũng, lãng phí.
Ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng thừa nhận, sự biến động giá những năm qua tác động rất lớn đến việc triển khai các công trình xây dựng, nhất là những công trình sử dụng vốn nhà nước. Thậm chí, nhiều định mức đã xây dựng quá lâu, không được cập nhật nên lạc hậu. Việc vận dụng của các chủ thể, qua thanh, kiểm tra cho thấy rất lộn xộn, chủ yếu là làm tăng chi phí dự toán, dẫn tới tiêu cực, thất thoát vốn.
“Việc hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị phù hợp với kinh tế thị trường đã công bố là để khắc phục những bất cập này”, ông Khánh nói và cho biết, theo kế hoạch, năm 2018, các cơ quan sẽ phải rà soát lại định mức đã công bố để khắc phục bất cập; Hoàn thiện các phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới; sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị.
“Hiện nay có hơn 20.000 định mức, trong đó, Bộ Xây dựng công bố gần 18.000 định mức, các bộ chuyên ngành, địa phương ban hành hơn 2.000 định mức khác. Riêng về nhân công, trong hệ thống đơn giá mới chia ra 2 nhóm với định mức chênh nhau 13% trong khi thực tế có tới 50 loại công việc khác nhau trong lĩnh vực xây dựng mà mức chênh giữa loại nhân công thấp nhất với cao nhất lên tới 600%, ông Khánh dẫn chứng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng và chi phí dịch vụ hạ tầng kỹ thuật có vai trò quan trọng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng. Đây là nhân tố quyết định cơ bản đến hiệu quả đầu tư của dự án, nhất là những dự án sử dụng vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.
Theo Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh, mục tiêu và nhiệm vụ chính của đề án là xây dựng lại các định mức và giá xây dựng, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị phải theo kịp sự phát triển, thay đổi của khoa học công nghệ, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành xây dựng và phù hợp với cơ chế thị trường. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng phải mang tính kế thừa, tính đúng, tính đủ, đảm bảo dự báo được những yếu tố khách quan của thị trường và hội nhập quốc tế.
“Ngoài ra, việc triển khai đề án còn hình thành cơ sở dữ liệu quốc giá về định mức, giá xây dựng để thực hiện quản lý tập trung, đồng bộ, công khai, tạo thị trường xây dựng minh bạch và cạnh tranh”, ông Khánh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận