Ảnh minh họa |
Liên ngành vào cuộc
Ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam cho biết, Cục đã có kế hoạch chủ trì thực hiện kiểm tra công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy tại 22 địa phương trên toàn quốc để đánh giá tình hình hoạt động phối hợp của liên ngành Quản lý đường thủy - Cảnh sát đường thủy - Đăng kiểm tại cơ sở và kiểm tra thực địa một số khu vực trọng điểm hoạt động vận tải khách, du lịch, nhà hàng nổi.
Đến nay, các đơn vị đã kiểm tra tại tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, ghi nhận hai địa phương này đều có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Trong đó, các hoạt động vận tải khách ngang sông, dọc tuyến, du lịch và tại nơi có lễ hội đường thủy thường xuyên có sự phân công, phân cấp rõ trong quản lý.
Các địa phương yêu cầu chủ tịch huyện, xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tai nạn bến khách ngang sông. Do đó, phần lớn trong số hơn 2.300 bến khách ngang sông và hoạt động vận tải khách bằng đường thủy được liên ngành địa phương, chính quyền cơ sở quan tâm quản lý”, ông Thọ nói.
Cũng để đốc thúc địa phương phòng ngừa TNGT, cháy nổ trên đường thủy trước mùa bão lũ, Vụ ATGT của Bộ GTVT đã kiểm tra thực tế tại một số địa phương. Từ tháng 5, đơn vị này đã kiểm tra công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, phòng chống cháy nổ trên tàu thuyền, cảng bến thủy; trong đó có Ninh Bình, Cần Thơ. Qua kiểm tra cho thấy công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, các điều kiện an toàn cơ bản về phương tiện, người lái, phòng chống cháy nổ… được tuân thủ. “Các địa phương quản lý khá sát sao hoạt động chở khách bằng phương tiện thủy. Nơi tập trung đông phương tiện được tổ chức bài bản, trật tự, phương tiện có đăng ký, đăng kiểm, có thiết bị cứu sinh, cứu hỏa; người lái có đủ điều kiện lái phương tiện”, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cho hay.
Sẵn sàng phương án điều tiết, chống va trôi
Cùng với việc phòng ngừa TNGT, các ngành chức năng của Bộ GTVT cũng chỉ đạo siết chặt quản lý chất lượng phương tiện để phòng ngừa xảy ra cháy nổ tàu thuyền chở khách.
Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, Cục Đăng kiểm VN đã chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc tăng cường kiểm soát an toàn kỹ thuật và phòng chống cháy nổ đối với phương tiện chở khách ngang sông, dọc tuyến, tàu thuyền du lịch. Đến nay, hơn bốn nghìn phương tiện chở khách ngang sông đều thực hiện kiểm định và chỉ tàu thuyền nào kinh doanh dịch vụ vận tải khách đáp ứng yêu cầu kỹ thuật mới được Cục Đăng kiểm VN cấp chứng nhận an toàn.
Trong đó, các trường hợp không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn phòng chống cháy nổ đều kiên quyết yêu cầu khắc phục. “Phương tiện chở người, tàu khách, du lịch, nhà nổi được đưa vào diện đặc biệt quan tâm tăng cường quản lý an toàn kỹ thuật và phòng chống cháy nổ. Cục Đăng kiểm VN chỉ đạo các đơn vị áp dụng biện pháp (cử đăng kiểm viên khác) kiểm tra lại một số hạng mục quan trọng. Ngoài ra, ba tháng một lần, Cục cũng kết hợp với các lực lượng liên ngành để kiểm tra chéo giữa các đơn vị. Trường hợp phát hiện các phương tiện có khiếm khuyết kỹ thuật nghiêm trọng, đơn vị đăng kiểm phụ trách phải chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN”, ông Học cho biết thêm.
Liên quan đến các tuyến đường thủy trọng điểm trong mùa bão lũ, ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, cục đã có phương án tổ chức lực lượng điều tiết, chống va trôi, lai dắt phương tiện tại 15 vị trí cầu vượt sông trên các tuyến sông phía Bắc, miền Trung. Đồng thời, dự kiến lập thêm 8 phao neo cỡ lớn trên sông Kinh Thầy, sông Mã để phục vụ tàu thuyền neo đậu tránh trú bão lũ, thiên tai.
Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và cơ quan chức năng địa phương kiểm soát, ngăn chặn tình trạng tàu thuyền chở quá tải trong mùa bão lũ, đồng thời tuyên truyền rộng rãi để người dân ý thức hơn trong việc phòng ngừa tai nạn liên quan đến phương tiện thủy gia dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận