Sáng 16/6, UBND tỉnh An Giang, Bộ GTVT và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức lễ khánh thành Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang).
Hoàn thiện mạng lưới giao thông Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách có tính đột phá, tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực.
Nhiều công trình quy mô lớn, mang tính động lực đột phá đang được tập trung, quyết liệt triển khai thi công như: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2; Dự án hoàn thiện mặt đường để đảm bảo tiêu chuẩn khai thác cao tốc đối với Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi…
Các dự án này sau khi hoàn thành cùng với rất nhiều công trình, dự án đã được đưa vào khai thác sử dụng như: Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Cao Lãnh, cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống, tuyến nối cầu Cao Lãnh - Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến N2… góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và khu vực Tây Nam Bộ.
"Bằng nguồn vốn vay của ADB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, Dự án xây dựng tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên sau hơn hai năm triển khai thi công đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác, đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Dự án có ý nghĩa quan trọng khi góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 91, trung tâm thành phố Long Xuyên, đồng thời rút ngắn thời di chuyển từ thành phố Châu Đốc về cầu Vàm Cống còn khoảng 1 giờ so với 2 giờ như hiện nay", ông Lâm nói.
Phấn đấu đến năm 2030 có 5.000km cao tốc
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, trong thời gian tới, toàn ngành GTVT tiếp tục duy trì sự nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu để cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mục tiêu trọng tâm là đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc năm 2025 và đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc.
"Để đạt được những mục tiêu chiến lược đó, Bộ GTVT rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN)...
Bên cạnh đó là sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương và chính quyền, nhân dân các địa phương.
Đồng thời, Bộ GTVT mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về vốn của ADB để từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại", Thứ trưởng Lâm nhấn mạnh.
1,5 triệu phụ nữ, trẻ em được hưởng lợi
Tại lễ khánh thành, bà Susan Lim, chuyên gia cao cấp quản lý danh mục đầu tư, Cơ quan đại diện Thường trú tại Việt Nam, ADB cho biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên là hợp phần cuối cùng trong dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL được đồng tài trợ bởi Chính phủ Úc thông qua Bộ Ngoại thương (DFAT), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) và ADB.
Sau khi hoàn thành, dự án góp phần giảm tải giao thông và giảm tai nạn trên QL91, đặc biệt là trên đoạn tuyến trong trung tâm thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ngoài ra, dự án cũng phát huy hiệu quả hệ thống đường bộ trong khu vực bao gồm cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, tuyến nối giữa các cầu và cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
"Ngoài việc cải thiện kết nối giao thông, dự kiến dự án sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho 1,5 triệu người (trong đó, khoảng 50% là phụ nữ và trẻ em gái) ở thành phố Cần Thơ và thành phố Long Xuyên thông qua tăng cường khả năng tiếp cận phát triển kinh tế và một số dịch vụ thương mại", bà Lim thông tin.
Đòn bẩy phát triển kinh tế
Theo ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trong hệ thống đường quốc lộ qua địa phận tỉnh An Giang, quốc lộ 91 là tuyến đường giao thông độc đạo, nối từ Cần Thơ đi An Giang và qua Campuchia, với vai trò vừa đảm bảo an ninh quốc phòng, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nói chung, của tỉnh An Giang nói riêng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đoạn QL91 qua nội ô thành phố Long Xuyên đã quá tải, lưu lượng xe qua đoạn đường này tăng cao, thường xuyên gây ùn tắc, mất an toàn giao thông nhất là vào giờ cao điểm và các dịp lễ hội.
Do vậy, sau khi tuyến tránh thành phố Long Xuyên hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần rất lớn trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải tỏa sự ùn tắc giao thông đối với tuyến quốc lộ 91 đoạn qua nội ô thành phố Long Xuyên, tạo thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, dự án còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển, mở rộng không gian đô thị cho thành phố Long Xuyên, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mời gọi đầu tư của tỉnh An Giang trong thời gian tới.
Vượt tiến độ 4 tháng
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư cho biết, dự án khởi công vào ngày 18/1/2022.
Trong quá trình thực hiện, dù gặp một số khó khăn liên quan đến thiếu vật liệu đắp nền đường, nguồn cát hạt thô trong xử lý đất yếu và thay đổi điều chỉnh một số hạng mục cho phù hợp theo đề nghị của địa phương… nhưng chủ đầu tư dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công đã ý thức được trách nhiệm rất lớn đối với chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang.
"Tất cả thể hiện quyết tâm cao nhất, quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc thi công các công trình giao thông là "Ăn tranh thủ - ngủ khẩn trương", "Vượt nắng - thắng mưa", " Làm 3 ca 4 kíp", "Xuyên lễ - xuyên Tết", "Chỉ bàn làm không bàn lùi".
Đặc biệt giai đoạn ba tháng nước rút ngay sau khi các điều kiện về kỹ thuật cho phép dỡ tải, các nhà thầu đã tập trung nhân vật lực, máy móc thiết bị, tổ chức điều hành hợp lý trên công trường với hơn 250 đầu xe máy thiết bị và trên 350 kỹ sư công nhân để hoàn thành dự án", ông Thi cho hay.
Cũng theo ông Thi, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Ban QLDA Mỹ Thuận cùng các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã đề ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ đồng thời đảm bảo chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường.
Đến nay dự án đã hoàn thành, vượt tiến độ đã cam kết với lãnh đạo tỉnh hai tháng và vượt tiến độ bốn tháng so với kế hoạch dự tính.
Dự án đã thông xe tạm thời để kịp thời góp phần giảm lưu lượng phương tiện qua đoạn quốc lộ 80 bị sạt lở phải thu hẹp phần đường xe chạy và đủ điều kiện để tổ chức khánh thành, chính thức thông xe vào ngày 16/6.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên đi qua địa phận An Giang và Cần Thơ có chiều dài 15,3km và đoạn nâng cấp cải tạo quốc lộ 80 dài khoảng 2km.
Trong đó có 800m trên địa bàn thành phố Cần Thơ và 16,5km trên địa bàn An Giang.
Dự án có quy mô xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, mặt đường rộng 11m và vận tốc thiết kế 80km/h.
Trên tuyến có 18 cây cầu, cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng. Điểm đầu của dự án kết nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống, điểm cuối kết nối với quốc lộ 91 thuộc phường Bình Đức và thành phố Long Xuyên.
Dự án có tổng mức đầu tư 2.107 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận