Phát biểu tại lễ khởi công Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức BOT sáng nay (20/7), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, Bộ nào sử dụng càng ít ngân sách Nhà nước mà vẫn đầu tư được nhiều, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch, Bộ đó hoạt động hiệu quả nhất.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ GTVT huy động hiệu quả các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư các dự án hạ tầng giao thông |
Dự án BOT thứ 68 được khởi công
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Trung ương, phấn đấu năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, có sự phát triển đột phá về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn hạn hẹp để đạt được mục tiêu đó không hề đơn giản. Trong bối cảnh đó, ngành GTVT vận dụng rất sáng tạo, linh hoạt các giải pháp để kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa vào đầu tư giao thông. Chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút được hàng chục dự án lớn, với số tiền đầu tư khổng lồ vào kết cấu hạ tầng giao thông.
“Tôi nhớ không lầm Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ đã là công trình thứ 68 được khởi công theo hình thức BOT và là dự án BOT nâng cấp đường cao tốc thứ hai được triển khai. Trong bối cảnh các nguồn vốn hạn hẹp, Bộ nào sử dụng càng ít ngân sách, trong đó vẫn đầu tư được nhiều, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch, Bộ đó hoạt động hiệu quả nhất” – Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, khi công trình hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ phát huy hiệu quả lớn trong việc giảm ùn tắc, TNGT và động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hiện nay, năng lực vận tải của tuyến đường chỉ khoảng 30.000 xe/ngày đêm. Tuy nhiên, khi hoàn thành nâng chuẩn cao tốc, tuyến đường có thể tăng gấp đôi năng lực, lên 60.000 xe/ngày đêm.
Phó Thủ tướng và các đại biểu nhấn nút khởi công dự án |
Thời gian hoàn vốn hơn 17 năm
Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, liên danh nhà đầu tư triển khai dự án này là Công ty CP Đầu tư phát triển Xây dựng Minh Phát - Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) - Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, đều là những đơn vị có năng lực, đã thực hiện nhiều dự án giao thông lớn. Dự án có tổng chiều dài khoảng 29km, sẽ được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cao tốc, có châm chước tĩnh không đứng dưới cầu vượt đường cao tốc và chiều dài dốc dọc.
Vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 6.731 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây lắp, GPMB, quản lý dự án, lãi vay và các chi phí khác. Trong đó, giai đoạn 1 khoảng 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới. Việc nâng cấp sẽ tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25m. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, bao gồm xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới. Chiều rộng nền đường là 33,5m. Đồng thời, tuyến đường sẽ được xây dựng đường gom song hành hai bên với chiều rộng nền đường 6,5m.
Liên quan đến việc thu phí hoàn vốn cho dự án, Thứ trưởng Trường cho biết, ngay khi hoàn thành giai đoạn 1, các nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí hoàn vốn. Thời gian hoàn vốn khoảng 17 năm 3 tháng.
Cam kết cấp vốn để dự án về đích đúng tiến độ
Cũng liên quan đến công tác huy động vốn, ông Trần Minh Bình, Phó Tổng giám đốc Vietinbank, nhà cung cấp vốn cho dự án này cho biết, thời gian qua đơn vị là nhà cung cấp vốn cho nhiều dự án giao thông lớn. Trong số đó, riêng Hầm đường bộ qua đèo Cả lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Cùng với đó là hàng loạt các dự án mở rộng, nâng cấp QL1, QL14, QL19…
Vietinbank cam kết cung cấp đủ vốn cho dự án |
“Với vị thế là nhà cung cấp vốn hàng đầu Việt Nam, nguồn vốn của Vietinbank luôn là đòn bẩy để các doanh nghiệp đầu tư các công trình hạ tầng giao thông. Riêng Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, Vietinbank cung cấp hơn 5.900 tỷ đồng vốn tin dụng. Vietinbank cam kết cung cấp đủ vốn cho các nhà đầu tư triển khai thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình” – ông Bình nói.
Đại diện các nhà đầu tư, ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Cienco 1 cho biết, đây là dự án có quy mô và ý nghĩa lớn. Các nhà đầu tư sẽ huy động tối đa nguồn lực để sớm đưa công trình vào khai thác. "Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, việc khởi công dự án theo hình thức BOT là minh chứng rõ nhất của chủ trương huy động tối đa vốn xã hội hóa của ngành GTVT" - ông Lai chia sẻ.
Đ.Thắng – Đ.Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận