Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã trả lời nhiều vấn đề nóng |
Sẽ rà soát hợp đồng BOT Thanh Nê (Thái Bình)
Chiều qua (29/3), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo định kỳ quý I của Bộ GTVT.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao động liên quan đến việc UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ tỉnh Thái Bình để thanh toán một lần cho nhà đầu tư với số tiền còn thiếu khoảng 460 tỷ đồng hoàn trả vốn đầu tư dự án để dỡ bỏ Trạm thu phí BOT Thanh Nê, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói: “Bộ GTVT nhiều lần khẳng định, chủ trương làm BOT xuất phát từ việc huy động vốn xã hội để đỡ gánh nặng cho ngân sách. Nếu có tiền thì đầu tư bằng ngân sách rồi. Chỉ vì không có tiền nên mới huy động vốn từ các nhà đầu tư, làm BOT. Giờ nếu muốn Nhà nước mua lại thì lấy tiền đâu?”.
Thứ trưởng cũng cho rằng, trước mắt sẽ phải rà lại hợp đồng này, tính toán thời gian thu phí và ký các phụ lục hợp đồng tương ứng.
Về việc Thái Bình đề nghị nếu không bố trí ngân sách T.Ư, địa phương này đề nghị cho phép Công ty CP Tasco kéo dài thời gian thu phí đường bộ tại Trạm thu phí Tân Đệ với thời gian khoảng gần 2 năm để hoàn trả kinh phí cho nhà đầu tư, Thứ trưởng khẳng định, Bộ GTVT đã nhiều lần khẳng định, sẽ không có chuyện làm đường nơi này, đặt trạm thu nơi khác. Như vậy, việc thu phí tại Trạm Tân Đệ để trả cho Thanh Nê là không phù hợp.
Về câu hỏi của Báo Tiền phong khi triển khai cao tốc Bắc - Nam, chuyển lưu lượng từ QL1 sang sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của các dự án BOT trên QL1, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc ảnh hưởng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán hợp đồng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 theo hình thức BOT đã có điều khoản quy định về vấn đề này, trong đó có việc dự trù phân tải bao nhiêu phần trăm cho cao tốc, bao nhiêu cho QL1.
“Tất nhiên, sẽ vẫn còn kiểm nghiệm lại trên thực tế, cập nhật lượng xe và chốt lại phương án tài chính”, Thứ trưởng Đông nói thêm.
Bộ GTVT sẵn sàng giải đáp thắc mắc của lái xe Uber
Trả lời câu hỏi của PV các báo Lao động, Tiền phong, Đại đoàn kết, Truyền hình Quốc hội… liên quan đến việc Grab mua Uber hay những e ngại việc Grab có thể độc quyền khi “một mình một chợ”, lái xe Uber kêu cứu hay “quản lý xe ôm Uber, Grab”...; Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, việc quản lý cạnh tranh, xác định có độc quyền hay không được thực hiện theo Luật Cạnh tranh. Cơ quan tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này là Bộ Công thương.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ GTVT cũng trả lời nhiều câu hỏi khác của PV liên quan đến phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đề nghị cấp biển màu riêng cho xe kinh doanh vận tải của Hiệp hội Taxi Hà Nội, hay chuyện thu phí vào sân bay, nạo vét luồng hàng hải… |
Ông Ngọc thông tin thêm, hiện Cục Quản lý cạnh tranh đã vào cuộc. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ về vụ mua bán này. Phía Bộ GTVT, ông Ngọc khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên, đặc biệt là người dân.
Về việc quản lý xe ôm còn bỏ ngỏ, ông Ngọc cho biết, theo quy định hiện hành, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý xe 2 bánh chở khách. Tùy đặc điểm tình hình, các địa phương sẽ có cách quản lý riêng. “Bộ GTVT đang đánh giá, tổng kết tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 về quản lý kinh doanh vận tải, vấn đề này cũng sẽ được tính tới, sao cho người dân kinh doanh thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hành khách.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, phải xác định việc Uber, Grab sáp nhập là quyền tự do của doanh nghiệp, chiếu theo Luật Doanh nghiệp. Những lo ngại về độc quyền có thể đúng một phần. Song phải thấy, hiện tại không chỉ có Uber, Grab cung cấp những giải pháp công nghệ kết nối vận tải mà đang có đến cả chục doanh nghiệp cũng đang làm việc này. Điều này cũng có nghĩa là có thể không còn cạnh tranh giữa Uber và Grab nhưng việc cạnh tranh với các đơn vị khác vẫn còn.
Về việc lái xe Uber kêu cứu như phản ánh của PV Truyền hình Quốc hội, Thứ trưởng khẳng định, Bộ GTVT sẵn sàng tiếp xúc và giải đáp các vấn đề thắc mắc của lái xe. Tuy nhiên, hợp đồng của lái xe với Grab và Uber là một thỏa thuận dân sự, bộ không thể can thiệp được. Nhưng với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT sẽ hỗ trợ tối đa trong phạm vi chức trách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận