Tỉnh Lâm Đồng sẽ có thẩm quyền huy động nguồn lực đầu tư sân bay Liên Khương
Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc triển khai xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc - Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) cũng như chính sách thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Liên Khương.
Bộ GTVT đã xây dựng và gửi đề cương Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không tới UBND các tỉnh, thành phố
Đối với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Liên Khương, theo lãnh đạo Bộ GTVT, trên cơ sở nhu cầu đầu tư phát triển các cảng hàng không và đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu Đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khai thác các cảng hàng không, trong đó có Cảng hàng không (CHK) Liên Khương.
Hiện nay, Bộ GTVT đã xây dựng và gửi đề cương Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không tới UBND các tỉnh, thành phố để các địa phương xây dựng Đề án, báo cáo Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao UBND các tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện huy động nguồn lực đầu tư.
“UBND tỉnh Lâm Đồng đang nghiên cứu, xây dựng Đề án xã hội hóa mở rộng CHK Liên Khương để trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được giao là cơ quan có thẩm quyền, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, làm cơ sở thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng CHK Liên Khương theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân địa phương”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Về dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, các đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo phương thức đối tác công tư.
Riêng đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Với tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, nhưng đang có vướng mắc liên quan bố trí bổ sung vốn nhà nước tham gia bảo đảm tính khả thi dự án.
Đồng thuận với kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các tuyến cao tốc trên, Bộ GTVT cũng đề nghị địa phương làm việc với các bộ ngành liên quan để được xem xét, xử lý.
Chưa thể cân đối bố trí ngồn vốn nâng cấp QL55
Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ VN chủ trì công tác kiểm tra, rà soát và duy tu, sửa chữa đối với các đoạn tuyến Quốc lộ 55
Về kiến mở rộng tuyến đường ĐT721 từ ngã ba huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng (giáp Quốc lộ 20) đến ngã ba Sa Bọng, tỉnh Bình Phước (Quốc lộ 14), Bộ GTVT cho biết theo quy định, tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý và trách nhiệm đầu tư của địa phương. Do đó, Bộ GTVT đề nghị chuyển kiến nghị của cử tri tới UBND tỉnh Lâm Đồng để xem xét, chủ động cân đối ngân sách địa phương đầu tư.
Với đề xuất nâng cấp đoạn tuyến thành Quốc lộ 55B, Bộ GTVT thông tin: Quy hoạch xác định tuyến Quốc lộ 55B trên cơ sở nâng cấp các tuyến đường địa phương và xác định các tuyến đường này chỉ chuyển thành quốc lộ sau khi được nâng cấp theo quy hoạch tối thiểu đường cấp IV. Vì vậy, đề nghị tỉnh cân đối ngân sách để đầu tư các tuyến đường tỉnh theo quy mô phù hợp làm cơ sở để nâng lên quốc lộ.
Đối với việc bố trí vốn đầu tư nâng cấp Quốc lộ 55 đoạn huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đi Bình Thuận, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến Quốc lộ 55 có chiều dài 290km đi qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Lâm Đồng, quy mô cấp III, 2-4 làn xe, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng từ Km205+140 - Km229+140 có chiều dài khoảng 24km (trước đây là tuyến đường công vụ phục vụ xây dựng thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi) mặt đường bê tông nhựa.
Đơn vị của Bộ đã được giao tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án dự kiến bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 trong việc đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 55 qua địa bàn tỉnh.
“Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 hạn chế, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ, nên chưa thể cân đối bố trí được”, Bộ GTVT nhấn mạnh.
Căn cứ nhu cầu đầu tư, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ quản lý về đầu tư công quan tâm, nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét bố trí vốn ngân sách nhà nước để triển khai đoạn tuyến khi có điều kiện về nguồn lực.
Trước mắt, Cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp các bên và địa phương liên quan thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và duy tu, sửa chữa đối với các đoạn tuyến để đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
“Thời gian qua, Bộ GTVT đã bố trí kinh phí từ năm 2021 - 2023 cho công tác sửa chữa định kỳ là 33,8 tỷ đồng và công tác bảo dưỡng thường xuyên là 3,3 tỷ đồng”, Bộ GTVT cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận