Đô thị

Bộ GTVT phối hợp UNDP tổ chức cuộc thi tranh biện "Giao thông xanh"

02/03/2023, 14:44

Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ GTVT cùng các đơn vị tổ chức cuộc thi tranh biện "Giao thông xanh".

Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa phối hợp Bộ GTVT, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội VN, 11 trường đại học, cao đẳng ở khu vực phía Bắc tổ chức cuộc thi tranh biện "Giao thông xanh". Các vòng thi sẽ diễn ra từ ngày 1/3 - 21/3.

img

Ban tổ chức tặng chứng nhận tham gia cuộc thi cho các thí sinh tham dự cuộc thi

Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp thêm kiến thức cho sinh viên về giao thông xanh phát thải các-bon thấp - hướng đi bền vững nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đối tượng dự thi là sinh viên VN từ 18 - 22 tuổi đang học tại các trường ĐH, CĐ và học viện trên toàn quốc, yêu thích tranh biện và mong muốn đóng góp cho nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, ngành GTVT đóng góp đáng kể vào tổng lượng phát thải khí nhà kính. Theo Bộ GTVT, năm 2019 ngành GTVT phát thải khoảng 45 triệu tấn CO2 tương đương, dự báo sẽ tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm, đạt gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại VN, kêu gọi: “Chúng ta không thể đứng ngoài quan sát mà hãy tham gia tích cực để giải quyết những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu. Người dân cần tập trung vào thay đổi hành vi của mỗi chúng ta khi sử dụng phương tiện giao thông bằng việc lựa chọn những phương thức ít phát thải các-bon và thân thiện với môi trường.

"Cuộc thi tranh biện do UNDP khởi xướng là một cơ hội để khơi dậy niềm đam mê của mỗi người trong việc tham gia chung tay xây dựng một tương lai xanh hơn và sạch hơn. Hãy cùng nhau hành động để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tạo nên một tương lai bền vững cho Việt Nam", Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại VN nhấn mạnh.

Tháng 7/2022, Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch hành động chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí các-bon và mê-tan trong ngành GTVT, nhằm chuyển đổi sang việc sử dụng nhiên liệu điện và năng lượng xanh cho tất cả các phương tiện giao thông và thiết bị để đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Giao thông xanh phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường gồm các loại hình giao thông như đạp xe, đi bộ, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, xe điện. Việc sử dụng các loại hình giao thông xanh giúp giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí từ đó giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Cuộc thi tranh biện "Giao thông xanh" là một trong nhiều hoạt động của dự án “Thúc đẩy chuyển dịch bền vững giao thông bằng điện ở Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, nhằm mục đích giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện chính sách, môi trường cho phát triển giao thông điện ở cấp quốc gia và thực hiện các hoạt động thí điểm về thúc đẩy giao thông điện tại Việt Nam.

Cuộc thi trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 giải “Được yêu thích” với các phần quà trị giá lần lượt 20 triệu đồng, 15 triệu đồng, 10 triệu đồng và 5 triệu đồng/giải.

Được biết, 12 đội thi thuộc các trường đại học, cao đẳng gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học FPT, Trường Đại học Công nghệ GTVT, Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh và Trường Cơ khí (thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội), tham gia vào vòng thi khu vực miền Bắc.

Trong ngày hôm qua (1/3), sau gần 5 tiếng tranh biện giữa 12 đội từ 11 trường đại học, cao đẳng ở khu vực phía Bắc, Ban giám khảo đã chọn ra 2 đội vào vòng Chung kết. Đó là đội BK-AUTO từ Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội và đội Nữ Hoàng Công Nghệ từ các Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học FPT và Học viện Ngân hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.