Quản lý

Bộ GTVT “rộng cửa” với kết nối vận tải đúng luật

28/02/2017, 10:18
image

Bộ GTVT luôn khuyến khích các đơn vị vận tải, đặc biệt là các đơn vị taxi áp dụng khoa học công nghệ...

8

Ông Trần Bảo Ngọc

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, Bộ GTVT luôn khuyến khích các đơn vị vận tải, đặc biệt là các đơn vị taxi áp dụng khoa học công nghệ để kết nối với hành khách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Sân chơi không chỉ có mình Grab  

Ông có đánh giá gì sau một năm Bộ GTVT cho phép thực hiện Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử?

Sau 1 năm, không chỉ có một mình Grab mà có thêm 4 đơn vị đã xây dựng đề án trình Bộ GTVT cho phép triển khai thí điểm. Việc thực hiện thí điểm đã đạt được kết quả khá tốt. Hành khách đi xe đã quen với chủ trương của Nhà nước về việc thực hiện xe hợp đồng điện tử vì phù hợp với quy luật thị trường, xu thế phát triển, tạo cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt Nam cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và phù hợp với quy định của hợp đồng điện tử.

"Sự phát triển mạnh mẽ của KHCN đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng tiếp cận, cập nhật để vừa đảm bảo công tác quản lý nhưng không làm cản trở sự phát triển đó. Bộ GTVT đang khẩn trương đánh giá, sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB cũng như các văn bản QPPL khác để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của KT-XH, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, cũng như tạo thuận lợi cho sự phát triển của DN”.

Ông Trần Bảo Ngọc
Vụ trưởng Vụ Vận tải

Các Sở GTVT, cơ quan Thuế đã kiểm soát chặt các đơn vị tham gia thí điểm, bảo đảm việc tuân thủ đúng pháp luật. Sở GTVT đã nắm bắt được số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện. Bảo đảm được các điều kiện đối với phương tiện như xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng, đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật đối với loại hình xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Hành khách sử dụng dịch vụ này cũng hài lòng vì thời gian chờ đợi ngắn và được đón chính xác theo địa điểm yêu cầu. Hiệu quả rõ rệt nhất là rút ngắn được thời gian hành khách chờ xe đến đón đối với mỗi chuyến đi của hành khách dưới 5 phút và đạt được tỷ lệ số km xe chạy có khách gần 90%. Bên cạnh đó, hiệu quả của việc ứng dụng KHCN hỗ trợ công tác điều hành, hỗ trợ hoạt động vận tải đã được người dân đánh giá rất cao, ngày càng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số đơn vị, cá nhân vận tải sử dụng các phần mềm kết nối chưa đủ điều kiện tham gia thí điểm, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho hành khách đi xe và cạnh tranh thiếu bình đẳng, lành mạnh.

Còn các quy định về quản lý nhà nước trong Quyết định số 24 của Bộ GTVT, các đơn vị tham gia thí điểm có thực hiện nghiêm, thưa ông?

Đề án của Grab cũng như các đơn vị khác thể hiện rõ việc các ứng dụng có giấy phép kinh doanh vận tải thực hiện tại Việt Nam và chịu điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam trong việc phối hợp với DN, HTX vận tải ứng dụng kết nối vận tải hành khách thông qua hợp đồng điện tử.

Grab là đơn vị đầu tiên gửi đề án và xin tham gia thí điểm, việc ứng dụng công nghệ là phù hợp và được Bộ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm. Ở đây là xin thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy, đồng thời không xin cho riêng một mình Grab được thí điểm. Bộ GTVT luôn khuyến khích các đơn vị vận tải, đặc biệt là các đơn vị taxi áp dụng khoa học công nghệ để kết nối với hành khách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như giảm lượng phương tiện tham gia giao thông thông qua việc kết nối chính xác của hành khách với đơn vị vận tải.

Xem thêm video:

9

Xe hoạt động vận tải khách áp dụng khoa học công nghệ kết nối hành khách cần phải hoạt động đúng quy định pháp luật

Doanh nghiệp taxi được kinh doanh xe hợp đồng

Hiện, có 2 DN sử dụng công nghệ kết nối tương tự là Uber và Grab nhưng chỉ một DN thực hiện thí điểm. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Bộ GTVT luôn hoan nghênh Uber cũng như các DN khác hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đối với Uber, ngày 18/1, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Công ty TNHH Uber Việt Nam trả lời đối với đề án thí điểm của đơn vị này. Tôi nhấn mạnh, công văn chỉ nhằm mục đích hướng dẫn Uber tiếp tục hoàn thiện đề án để được tham gia thí điểm theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam chứ không cấm.

Bản chất của việc thí điểm ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng là việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản. Vì vậy, Đề án thí điểm của Uber còn thiếu một số nội dung chính cần làm rõ như: Bổ sung mô tả giao diện và phân tích chi tiết nội dung, quy trình giao kết hợp đồng vận tải qua ứng dụng Uber, trong đó nội dung hợp đồng điện tử phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Nghị định số 86 và Thông tư 63.

Đề án thí điểm của Uber chưa làm rõ được quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành khách, cũng như chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách. Bên cạnh đó, đề án cũng cần làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm chính của đơn vị thực hiện đề án (vì hiện nay đơn vị đề xuất đề án là Công ty TNHH Uber Việt Nam nhưng công ty này lại thực hiện sự ủy quyền của Công ty Uber BV có trụ sở tại Hà Lan và hoạt động theo luật pháp Hà Lan).

Để đảm bảo khách quan, công bằng, giữa kinh doanh taxi truyền thống và taxi ứng dụng công nghệ, thời gian tới Bộ GTVT sẽ có giải pháp gì để quản lý, thưa ông?

Điều 66, Luật GTĐB quy định rõ 5 loại hình kinh doanh vận tải. Khi tham gia loại hình vận tải nào phải thực hiện quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của loại hình đó. Trong trường hợp các đơn vị vận tải hoạt động theo đúng các loại hình và chấp hành đúng các quy định tại Nghị định số 86 và Thông tư số 63 của Bộ GTVT mà có sử dụng các phần mềm ứng dụng nhằm hỗ trợ điều hành vận tải, nâng cao chất lượng, dịch vụ vận tải, đồng thời giảm chi phí cho xã hội và góp phần giảm ùn tắc, TNGT thì Bộ GTVT luôn đồng tình ủng hộ.

Riêng đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ GTVT đang thực hiện thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử. Việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử thay cho hợp đồng vận tải hành khách bằng giấy (hay còn gọi là nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử) là bản chất của việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Chính vì vậy, theo quy định hiện hành, đơn vị vận tải đang kinh doanh vận tải bằng xe taxi hoàn toàn có quyền đăng ký bổ sung loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và chấp hành các điều kiện kinh doanh theo quy định của loại hình mình tham gia.

Thời gian tới, Bộ GTVT và Sở GTVT các tỉnh, thành tham gia thí điểm sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với việc sử dụng các phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với ứng dụng di động cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực vận tải hành khách.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.