Phát biểu tại cuộc họp bàn giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông đối với xe khách, xe container được Bộ GTVT tổ chức chiều 11/1, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thể cho rằng, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đối với các loại xe này. Theo Bộ trưởng, yêu cầu đặt ra là phải có những giải pháp, quy định đủ mạnh để kìm chế TNGT đối với xe khách, xe container bằng việc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư hiện hành.
Theo Bộ trưởng, say rượu, nghiện ma túy lái xe dẫn tới tai nạn chết người là hành vi cố tình coi thường tính mạng người dân. Hay như hành vi vượt không đúng quy định trên đường đèo dốc, điển hình như vụ tai nạn xe khách trên đèo Hải Vân... là rất nguy hiểm. Cho rằng, đây là hành vi cố tình vi phạm gây chết người, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị nghiên cứu hình thức thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe (GPLX) của các trường hợp này. Chỉ có như vậy mới đủ sức răn đe, lái xe không dám uống rượu bia, sử dụng ma tuý khi lái xe nữa.
“Chúng ta cần tổng hợp tất cả những lỗi này, tham mưu văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh ngay hình thức xử lý một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, cố tình vi phạm để đảm bảo đủ sức răn đe. Tôi cho rằng việc này sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội”, Bộ trưởng nói và cho rằng, trên nền tảng quy định của pháp luật hiện hành, việc gì làm được phải làm ngay, xử lý nghiêm theo quy định. Những gì thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT phải sửa ngay, ban hành ngay thông tư mới.
Về định hướng lâu dài để đảm bảo ATGT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung vào nghị định, luật theo hướng lái xe nếu uống rượu, sử dụng ma túy, không chấp hành hiệu lệnh gây tai nạn chết người phải thu hồi bằng vĩnh viễn. Đối với chủ phương tiện, trách nhiệm chủ xe là phải giám sát lái xe. Doanh nghiệp không quản lý được lái xe phải chịu trách nhiệm. Phải tập trung xử lý trách nhiệm của cả doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe.
Với sát hạch lái xe, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phải lưu lại hồ sơ của người học, để khi lái xe vi phạm, sẽ có chứng cứ xử lý cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch và hội đồng sát hạch, nếu vi phạm phải xử nghiêm. Về thời gian nâng hạng GPLX, Bộ trưởng yêu cầu phải quy định lại theo hướng tăng độ tuổi nâng hạng; đồng thời cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải sử dụng lái xe xác nhận. Nếu xác nhận sai thời gian điều khiển phương tiện của lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tại cuộc họp, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay tương đối đầy đủ, điều quan trọng là việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Đối với lái xe, Luật đã cấm không được sử dụng chất kích thích nhưng vẫn xảy ra, trong khi doanh nghiệp kiểm tra, giám sát lỏng lẻo. Khi xảy ra tai nạn không biết người lái xe đã kiểm tra sức khỏe hay chưa, doanh nghiệp giám sát ra sao.
Theo bà Hiền, khâu đào tạo và sau đào tạo, quá trình hoạt động của lái xe chưa có sự kết nối thông tin. Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng phần mềm quản lý toàn bộ lái xe, dữ liệu của doanh nghiệp sẽ được kết nối với cơ quan quản lý Nhà nước để quản lý. Đối với chủ phương tiện, bà Hiền cho biết, Nghị định 46/2016 đã quy định xử phạt 24 hành vi đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế Nghị định 46 đã đủ sức răn đe hay chưa thì Tổng cục sẽ nghiên cứu và đề xuất tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, đối với lái xe kinh doanh vận tải phải có điều kiện. Khi muốn lái xe kinh doanh, anh phải qua lớp đào tạo sát hạch về nghiệp vụ vận tải, đặc biệt là lái xe khách. Đối với trách nhiệm của doanh nghiệp, Thứ trưởng Thọ cho rằng, cần có sự đột phá trong công tác xử phạt, tạo răn đe, cần có mức xử phạt nặng hơn.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, việc cần làm ngay trước mắt là tập trung công tác xử phạt. Trước Tết Nguyên đán, Cục CSGT sẽ tổng kiểm tra đối xe khách và xe container. Trong quá trình kiểm tra của lực lượng CSGT, ngành Giao thông đề nghị phối hợp tham gia, kiểm tra nhanh ma tuý và nồng độ cồn của lái xe. Đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, ông Hùng cho rằng, hiện dư luận nói nhiều về tình trạng bằng giả và mua bằng, mua giấy khám sức khỏe. Chúng ta có thể đề nghị Bộ Công an lập chuyên án, điều tra làm rõ có hay không.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận