Quy hoạch điều chỉnh hệ thống đường bộ cao tốc VN đến năm 2020 tầm nhìn 2030 sẽ được trình Thủ tướng ngay trong tháng 9 này, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa đất nước.
Để hoàn thành mục tiêu cần nỗ lực rất lớn khi đến nay cả nước mới có gần 600km ĐCT hoàn thành đưa vào khai thác |
Thêm hơn 600km đường bộ cao tốc nữa
Tại cuộc họp chiều 26/9 do Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đã báo cáo về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc (ĐCT) VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, so với quy hoạch mạng ĐCT được phê duyệt tại Quyết định 1734/QĐ-TTg năm 2008 của Thủ tướng chính phủ (QH 1734) là 5.753km, thì Quy hoạch điều chỉnh là 6.411km, tăng thêm 658km nữa.
Theo đó, đến năm 2020, tổng số chiều dài các tuyến cao tốc được đề nghị đầu tư là 2.329km. Ngoài ra, có 2 đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông dài xấp xỉ 200km nếu chấp thuận đầu tư ngay trong giai đoạn trước 2020 là đoạn Hương Sơn - Vũng Áng, Phan Thiết - Nha Trang, để đảm bảo trục KTXH, thì đến giai đoạn 2020 tổng số có xấp xỉ 2.500km ĐCT được đưa vào quy hoạch điều chỉnh.
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI, xây dựng quy hoạch điều chỉnh, về quan điểm, mục tiêu không có gì thay đổi so với quy hoạch 1734. Cấu trúc mạng ĐCT đang triển khai là phù hợp, do đó QH điều chỉnh vẫn giữ nguyên cấu trúc mạng như quy hoạch 1734, với 2 trục dọc là cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Cao tốc Bấc – Nam phía Tây, Hệ thống ĐCT khu vực phía Bắc, Hệ thống ĐCT khu vực miền Trung, Hệ thống ĐCT khu vực phía Nam và Hệ thống đường vành đai Hà Nội, TP HCM.
Chỉ thực hiện điều chỉnh bổ sung một số tuyến đường trong đó, căn cứ theo các quy hoạch chi tiết được Thủ tướng chính phủ phê duyệt: Bổ sung tuyến cao tốc Tây Bắc – ĐCT Hà Nội – Hải Phòng, tuyến Đồng Đăng – Trà Lĩnh (Lạng Sơn – Cao Bằng), tuyến Chợ Mới – Bắc Cạn, tuyến Phủ Lý – Nam Định, cập nhật tuyến vành đai 3 và bổ sung vành đai 4 TP HCM, bổ sung một số đoạn tuyến vành đai 5 Hà Nội. Quy hoạch điều chỉnh cũng xác định đưa vào một số tuyến cao tốc tiềm năng, cho các giai đoạn sau.
Từ mục tiêu để tính toán đầu tư
Nghe các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng kết luận, điều chỉnh lại quy hoạch mạng ĐCT là cần thiết. Trước hết, phải căn cứ vào cương lĩnh phát triển đất nước giai đoạn 2011-2020, căn cứ Nghị quyết 11, Nghị quyết 13, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện cương lĩnh, đặt tổng thể trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, trong tổng thể tái cơ cấu ngành GTVT, tái cơ cấu đầu tư công, và tái cơ cấu vận tải, trong tổng thể như vậy để điều chỉnh cho phù hợp.
Điều quan trọng phải căn cứ vào chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, quy hoạch phát triển từng lĩnh vực vận tải hàng hải, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa. Đặc biệt phải nằm trong tổng thể các tuyến đường đang triển khai hiện nay, dọc Bắc - Nam như QL1, QL14, đường HCM, đường hành lang ven biển, đường tuần tra ven biển, các đường cao tốc.. mà gắn với nó các đường kết nối.
“Cho nên mục tiêu không phải là 2200 hay 2500 km ĐCT, mà mục tiêu là đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp tương đối hiện đại. Như vậy thì hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông cần gì, trong đó ĐCT cần những gì. Điều chỉnh lại mạng ĐCT, yêu cầu đặt ra là như vậy. Phải tính xem mục tiêu như vậy thì ta cần bao nhiêu km đường cao tốc, đã có bao nhiêu rồi, cần bao nhiêu km nữa”.
Bộ trưởng cũng yêu cầu: Trong quy hoạch điều chỉnh cần nói rõ hơn lộ trình triển khai, cái nào trước 2020, cái nào sau 2020, cái nào đưa tiềm năng. Không chỉ thuần túy kinh tế, mà còn tổng thể cả kinh tế - xã hội, do đó cũng phải gắn với các địa phương. Tính kết nối giữa các phương thức vận tải cũng cần được làm rõ. Bây giờ đang nói không kết nối được, kết nối kém, thì điều chỉnh phải làm rõ vai trò đường cao tốc kết nối như thế nào.
Cũng phải làm rõ giải pháp khai thác, như quản lý giao thông thông minh.. như thế nào để khai thác cho hiệu quả. Suất đầu tư đường cao tốc, phải tính cho cụ thể, thực tế, và công khai lên. Tất cả những yếu tố làm tăng suất đầu tư thì cũng phải được tính đến để làm sao cho hiệu quả. Như đường cao tốc tinNội Bài – Lào Cai có hơn 200km mà tới 18 nút giao, mỗi nút giao đầu tư rất lớn, cả trăm tỉ/nút, cần tính toán cho kỹ để giảm được suất đầu tư.
Phương Anh
C
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận