Bộ GTVT vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành rốt ráo triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội liên quan việc đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
"Để triển khai có hiệu quả dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, quản lý chặt và sử dụng vốn tiết kiệm, công khai, minh bạch, các đơn vị cần phối hợp với các cơ quan có liên quan của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để bố trí vốn thực hiện đáp ứng tiến độ", Bộ GTVT yêu cầu.
Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ - Ảnh minh họa
Trong đó, Vụ Đối tác công - tư được giao chỉ đạo các ban quản lý dự án, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa nước của dự án; phối hợp với các Bộ liên quan thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 20/4/2022.
"Vụ Đối tác công - tư phối hợp với các Vụ liên quan của Bộ GTVT xây dựng phương án tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư dự án, hoàn trả vào ngân sách trung ương, sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận về cơ chế thu. Tham mưu Bộ GTVT các nội dung liên quan đến các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư khi triển khai dự án và tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án thành phần thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố", Bộ GTVT chỉ đạo.
Tổng cục Đường bộ VN, các cục quản lý chuyên ngành, sau khi nhận hồ sơ, tài liệu do các ban quản lý dự án, tư vấn gửi đề nghị thỏa thuận về kết nối hạ tầng, tĩnh không đường bộ, đường sắt, thông thuyền, độ cao công trình theo quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không, các nội dung khác liên quan, khẩn trương xử lý, với mục tiêu rút ngắn tối đa thời gian thỏa thuận, nhằm đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT tham mưu thực hiện lựa chọn nhà thầu, đảm bảo khởi công dự án trước ngày 31/12/2022. Đối với các gói thầu thuận lợi về kỹ thuật và giải phóng mặt bằng, khởi công trước ngày 30/11/2022.
"Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT chỉ đạo các Ban quản lý dự án, tư vấn và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và các thủ tục cần thiết. Bên cạnh đó, tổ chức thẩm định, trình Bộ GTVT phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 30/6/2022 và thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo khởi công trước ngày 31/12/2022. Triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023, cơ bản hoàn thành dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026", Bộ GTVT nêu.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT cũng được giao chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Xây dựng để hướng dẫn, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng.
Bộ GTVT cũng giao Vụ Khoa học và Công nghệ trình Bộ GTVT phê duyệt danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án. Bên cạnh đó nghiên cứu, đề xuất sử dụng cát biển, tro xỉ làm vật liệu đắp nền đường. Rà soát và khẩn trương thực hiện việc chuyển đổi các tiêu chuẩn ngành đã hết hiệu lực.
Bên cạnh đó, thẩm định thiết kế cơ sở hệ thống giao thông thông minh (ITS) và hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), đảm bảo tính thống nhất, kết nối liên thông trên toàn dự án. Phối hợp xác định các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; đánh giá chất lượng vật liệu xây dựng đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận