Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì họp báo Bộ GTVT quý III |
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tÍch cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Mở đầu cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trao đổi với báo chí một số thông tin mới về kết quả hoạt động 9 tháng của Bộ. Theo thứ trưởng Trường, có 24 công trình, dự án quan trọng được khởi công trong quý III. Tiến độ chất lượng công trình đã được cải thiện đáng kể. Các dự án mới tuyệt đối không chậm. Chất lượng được nâng lên nhờ việc siết chặt hoạt động Ban QLDA, tư vấn giám sát, thiết kế, nhà thầu thi công. Các giải pháp mạnh được đưa ra như thay tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu, thậm chí cả Ban QLDA nếu không đáp ứng yêu cầu.
Bộ đã thực hiện tốt việc huy động tốt vốn xã hội hoá để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. QL1, đường HCM qua Tây Nguyên đều vượt kế hoạch tiến độ 12 tháng, giải ngân đạt 78% kế hoạch. Tiến độ giải ngân các dự án của toàn ngành cũng rất tích cực, 9 tháng, toàn ngành giải ngân hơn 75 nghìn tỷ đồng, đạt 89,6 % kế hoạch.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, các đơn vị đã rà soát điều chỉnh biển báo hiệu đường bộ, thay thế hoàn toàn biển tốc độ dưới 40km/h trên các tuyến quốc lộ. Công tác tăng cường quản lý thu chi Quỹ bảo trì đường bộ.
Về công tác đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, Bộ GTVT cũng tiếp tục đạt và vượt tiến độ so với mục tiêu đặt ra. Năm 2014, theo kế hoạch sẽ CPH 30 DN. Riêng Vinalines sẽ trình phương án cổ phần hoá (CPH) trong năm nay để CPH ngay trong quý I/2015.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, Bộ đang tiếp tục tổ chức thi tuyển các chức danh cấp trưởng khác sau khi tổ chức thành công kỳ thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, Vụ trưởng Vụ Vận tải.
Bộ GTVT đã ban hành và triển khai kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2014; Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cải cách chế độ công vụ, công chức thuộc Bộ giai đoạn 2013- 2015; triển khai thực hiện các Đề án liên quan đến cải cách hành chính (CCHC)…Bộ GTVT dẫn đầu các Bộ về cải cách hành chính năm 2013 theo khảo sát của Bộ Nội vụ.
Bộ cũng đã tập trung đổi mới công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động xã hội của ngành; chủ động, kịp thời, công khai, minh bạch thông tin với báo chí và xã hội.
Bên cạnh những mặt đã làm được, tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng thẳng thắn nêu ra những lĩnh vực còn tồn tại như kêu gọi huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mới tập trung ở đường bộ; các lĩnh vực khác còn chưa thu hút được nhà đầu tư.
Bên cạnh nhiều dự án đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng, vẫn còn có một số dự án chậm trễ do vướng mắc về GPMB, năng lực nhà thầu yếu kém, nhà đầu tư huy động vốn chậm trễ...
Một số dự án còn có những khiếm khuyết về chất lượng như hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa... Bộ đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp khắc phục, xử lý.
Dù đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, giữa Bộ và các địa phương nhưng hiện tượng xe quá tải vẫn chưa được xử lý triệt để. Thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục kiên quyết không để xe quá khổ, quá tải ngang nhiên hoạt động.
Một vấn đề còn tồn tại đó là dù đã giảm cả 3 tiêu chí nhưng TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao, số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra như vụ TNGT trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Hải Phòng trong dịp nghỉ Lễ 2/9 vừa qua.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết công tác truyền thông đã được Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành quan tâm thực hiện và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả tương tác, bảo đảm giải quyết các đề xuất, kiến nghị và kịp thời cung cấp thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Thứ trưởng rất mong nhận được sự chia sẻ từ báo chí.
Nhiều câu hỏi nóng được đặt ra với lãnh đạo Bộ GTVT |
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Chủ động khai thác sớm để phát huy hiệu quả
Trả lời phóng viên Dân Trí về nguyên nhân vết nứt và những việc chủ đầu tư đã làm để khắc phục, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đường cao tốc (VEC) Lê Kim Thành báo cáo cụ thể.
Ông Thành cho biết, ngay sau khi phát hiện vết nứt, VEC đã chỉ đạo tư vấn hướng dẫn nhà thầu, khoan khảo sát bổ sung. Đã khoan 8 mũi nằm trên 2 mặt cắt ngang. Xác định được vị trí bất lợi nhất. Tại vị trí này không có lớp đất cứng có khả năng chịu tải tốt mà chỉ là lớp đất hữu cơ rất yếu nằm trực tiếp trên nền đá có độ dốc gần 30%.
Ngày 3/10, Cục Quản lý xây dựng chất lượng công trình giao thông đã tổ chức hội nghị mời chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, đưa ra nguyên nhân, giải pháp. Quan điểm xử lý là đảm bảo mục tiêu khai thác ổn định tuyến đường.
Trả lời 9 vị trí lún khác có thể nứt hay không, ông Thành nói, trên nền đất yếu, với quy trình cho phép tối đa cũng khó phát hiện bất thường vì không thể 3m – 5m lại khoan một lỗ. Chúng tôi khẳng định 9 điểm theo dõi lún đang lún nhưng chưa thể nói trước được có nứt hay không.
Bổ sung phần trả lời của Phó tổng giám đốc VEC, Thứ trưởng Trường cho biết, khi thi công đã xác định 10 vị trí lún. Đáng lẽ chúng ta phải chờ lún từ 6 – 9 tháng. Tuy nhiên nếu thế thì hơn 200 km trên tuyến cung phải nằm chờ, không khai thác được. Để phát huy hiệu quả tuyến đường, Bộ GTVT đã thống nhất cắm biển chờ lún để khai thác. Việc này chủ đầu tư hoàn toàn chủ động.
Dự án đường sắt không xáo trộn
Đồng chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng đã trả lời các câu hỏi về tiến độ các dự án đường sắt sau khi chuyển đổi chủ đầu tư và nghi án JTC đưa hối lộ.
Thứ trưởng Đông cho biết đến 30/9, đã chính thức chuyển giao toàn bộ dự án đường sắt về Bộ với nguyên tắc là không ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án, không ảnh hưởng đến giải ngân. Không để xảy ra bất cứ xáo trộn nào. Bộ vẫn tiếp tục thực hiện bước tiếp theo là sáp nhập ban quản lý dự án của Tổng công ty về Ban QLDA thuộc Bộ.
Về nghi án hối lộ, Bộ GTVT chưa nhận được thông tin chính thức nào về nội dung này. Việc xử lý các cá nhân đang tạm giữ là trách nhiệm của Công an, thứ trưởng Đông cho biết.
Liên quan tới câu hỏi các dự án đường sắt đều đang đội vốn, lý do vì sao? Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, một trong những nguyên nhân là do tỷ giá thay đổi. Tổng mức đầu tư duyệt tiền Việt. Vay ODA là ngoại tệ. Do đó, khi tỷ giá thay đổi, thì sẽ có trượt giá.
Các dự án đường sắt đều được xây dựng 5-7 năm trước khi triển khai đầu tư. Như ở Hà Nội, có dự án được duyệt từ năm 2003 nhưng đến nay mới triển khai, giá thiết bị thay đổi. Như dự án Cát Linh Hà Đông, phê duyệt từ năm 2005. Khi đó đoàn tàu Trung Quốc mới là thế hệ thứ Nhất, nhưng giờ là thế hệ thứ năm, giá chắc chắn là khác đi. Việc tăng đó không phải do chúng ta có sai phạm trong tổ chức dự án hay bất cứ việc gì, Thứ trưởng Trường nói.
Tiền bán cổ phần, bán tàu dành giải quyết chế độ cho người lao động
Liên quan tới tái cơ cấu nợ của Vinalines, Vinashinlines, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết hiện tư vấn đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp của Vinalines (VNL). Nếu không có gì thay đổi, tháng 10 sẽ hoàn thành. Sau đó sẽ xây dựng phương án CPH. Trong phương án này sẽ có giải pháp cụ thể trong đó có việc giải thể, phá sản một số doanh nghiệp.
Lao động sẽ được đảm bảo quyền lợi. Tiền bán cổ phần bao giờ cũng dành để giải quyết chế độ cho người lao động (nghỉ một lần, nghỉ hưu hoặc tiếp tục làm).
Theo thứ trưởng, tái cơ cấu nợ của hai doanh nghiệp này là vấn đề lớn. Tinh thần là doanh nghiệp phải tự đàm phán với tổ chức tín dụng trên nguyên tắc khoanh nợ, giảm nợ, kiến nghị Chính phủ xoá một phần nợ lãi để tạo điều kiện cho DN có điều kiện phát triển, từ đó có thể trả nợ. VNL đã chủ động làm việc với tổ chức tín dụng để tái cơ cấu nợ. DN đã đủ điều kiện tài chính để thực hiện CPH trong thời gian tới.
Vinashinlines cũng đã xong phần tái cơ cấu tài chính, đã bán được nhiều tầu cũ.
Trả lời các câu hỏi về CPH cảng biển, Thứ trưởng Trường thông tin Thủ tướng Chính phủ đã cho phép CPH tất cả cảng biển trên cả nước. Những cảng lớn, chúng ta đang thực hiện nhà nước nắm giữ trên 51%, cảng nhỏ sẽ bán hết. Bộ GTVT đang giao VNL xây dựng kế hoạch. Hiện đã CPH xong 9 cảng biển
Tai nạn do thi công gây mất an toàn đã giảm
Liên quan tới thực trạng mất an toàn trên 1 số tuyến đường đang thi công nâng cấp, thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, khi Bộ GTVT tiến hành xây dựng dự án nâng cấp QL1, QL14 đều có tiểu dự án đảm bảo ATGT (ký với Đoàn thanh niên, cơ sở địa phương để tuyên truyền vận động người dân chấp hành luật giao thông, ký với Đoạn quản lý đường bộ). Đơn vị thi công phải tổ chức thi công đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người lưu thông. Khi xảy ra tai nạn, xác định rõ nguyên nhân, rơi vào tổ chức nào, đơn vị nào thì tổ chức đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Thực tế cho thấy tai nạn do bất cẩn trong tổ chức thi công đã được giảm thiểu, nhiều đoạn không xảy ra, đặc biệt trong 5 tháng trở lại đây.
Về số người chết, bị thương tại khu vực Bình Thuận, Bộ GTVT sẽ làm việc cụ thể với tỉnh, xác định rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan, thứ trưởng nói.
Đường bay thẳng: Sẽ quyết định sau khi đàm phán với Lào, Campuchia
Được hỏi khi nào sẽ có kết quả cuối cùng về đường bay thẳng, Cục phó Cục Hàng không VN Lưu Thanh Bình cho biết sau khi có kết quả bay trên Simulator cho thấy có thể giảm được từ 4-6 phút bay trong điều kiện tốt nhất, Bộ đã chỉ đạo Cục Hàng không tiếp tục làm việc với các bên liên quan. Bộ GTVT giao Vụ Hợp tác quốc tế làm việc với Lào, Campuchia đàm phán mực bay và giá điều hành bay. Nếu hiệu quả thì sẽ triển khai.
Thứ trưởng Trường cũng giải thích thêm, kết quả bay thử đã được cơ quan tư vấn của Nhật thẩm định. Hiện chờ đàm phán về phí và mực bay, trong tháng 10 sẽ có kết quả cụ thể có triển khai đường bay này hay không.
Về tàu chở dầu Sunrise đang mất tích trên đường về Việt Nam, Bộ GTVT đang giao Cục Hàng hải VN, Vinalines phối hợp với cơ quan liên quan tích cực điều tra nguyên nhân, tích cực tìm kiếm. Hiện chưa có kết quả, Thứ trưởng Trường cho biết.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận