Quản lý

Bộ GTVT tường minh nhiều vấn đề “nóng” của hàng không

27/09/2019, 21:11

Bộ GTVT và các đơn vị liên quan lý giải nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến sự cố bay và xây dựng hạ tầng hàng không thời gian qua...

img
Nhiều sự cố hàng không xảy ra trong thời gian qua - Ảnh minh họa

Xác định nguyên nhân sự cố bay xảy ra liên tiếp

Liên quan đến các sự cố hàng không xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, tại cuộc họp báo Quý III của Bộ GTVT diễn ra chiều nay (27/9), ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng An toàn Cục Hàng không VN cho biết, đối với sự cố liên quan đến động cơ dòng máy bay mới Airbus A321neo, Cục Hàng không đã làm việc với nhà sản xuất máy bay Airbus để khắc phục, chủ yếu sự cố xảy ra là do vấn đề vật liệu.

“Lô A320-321 mới sẽ có giải pháp khắc phục động cơ triệt để. Đối với động cơ đang khai thác, Airbus và các bên liên quan cũng cam kết sẽ khắc phục trong vòng 10-12 tháng. Tuy nhiên, các động cơ đang khai thác đều nằm trong giới hạn cho phép.

Liên quan đến việc tàu bay Boeing 737 của hãng hàng không T’way (Hàn Quốc) gặp sự cố khi phát hiện tiếng động lớn ở mũi máy bay và phải xin hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 19/9 vừa qua, theo ông Tấn, sự cố được xác định do tác động bên ngoài. Trong trường hợp nguyên nhân có vật thể lạ như máy bay không người lái sẽ do Bộ Quốc phòng xác định.

Về sự cố chuyến bay Vietnam Airlines từ TP. Hồ Chí Minh đi Melbourne (Australia) ngày 18/9 suýt hạ cánh nhưng chưa bung càng, ông Tấn cho biết, nguyên nhân là do tiếp cận sân bay Melbourne không ổn định.

“Ngay sau khi được thông báo vụ việc của Cục Hàng không Úc, Cục Hàng không VN đã phối hợp chặt chẽ, tải dữ liệu xuống, phân tích, phỏng vấn tổ lái để đánh giá sơ bộ. Công tác điều tra do Úc thực hiện và cử đại diện Cục Hàng không VN sang. Sơ bộ, đánh giá nguyên nhân là do có yếu tố con người trong việc tiếp cận không ổn định. Tuy nhiên, ngay sau khi có cảnh báo của cơ quan chức năng của cơ quan quản lý bay phía Úc, tổ lái đã tiếp cận hạ cánh lần 2 an toàn”, ông Tấn cho hay.

Cấp phép hãng bay mới phù hợp lộ trình năng lực cảng hàng không

Liên quan đến việc các hãng hàng không mới và đang xin giấy phép để mở đường bay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, quan điểm chung của Bộ GTVT là ủng hộ sự tham gia của các hãng mới, thị trường hàng không tăng trưởng sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng, giá cả sẽ tốt hơn cho hành khách.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Đông, Bộ GTVT sẽ có quy trình chặt chẽ cấp phép cho hãng hàng không mới ra đời. Trường hợp của Bamboo Airways là một ví dụ, họ đã mất hơn 1 năm mới hoàn thiện xong thủ tục để được cấp phép bay.

“Việc cấp phép cho hãng bay mới là ngành kinh doanh có điều kiện nên phải xem xét kỹ, trong đó có yếu tố dự phòng mở hãng với nhu cầu thị trường đánh giá trên cơ sở tăng trưởng để đáp ứng tốt hơn, xem xét phù hợp lộ trình năng lực cảng hàng không (CHK), đặc biệt hãng mới mở phải xem xét kỹ về tính cạnh tranh, lộ trình đầu tư, điểm đến”, Thứ trưởng Đông nói.

img
Bộ GTVT sẽ có quy trình chặt chẽ cấp phép cho hãng hàng không mới ra đời - Ảnh minh họa

Về hạ tầng sân bay quá tải xuống cấp do thị trường hàng không tăng trưởng “nóng”, theo Thứ trưởng Đông, hạ tầng hàng không Việt Nam còn hạn chế trong bối cảnh tăng trưởng hàng không duy trì 10 năm nay luôn ở mức 2 con số từ 15-17%, gây áp lực đến nhà ga, sân bay, đường lăn… mà hiện hữu là sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Nội Bài, Phú Quốc.

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu xây dựng danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa nhà đầu tư để báo cáo Thủ tướng sớm nhất. Phần hạ tầng nào kêu gọi vốn doanh nghiệp xã hội hóa sẽ cho xây dựng và nếu không được thì Nhà nước sẽ đầu tư”, Thứ trưởng Đông nói rõ.

Chờ phê duyệt CHK Long Thành và nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất

Giải đáp câu hỏi về tiến độ của dự án CHK Long Thành, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tháng 7/2019, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự án khả thi đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Để xem xét phê duyệt, Thủ tướng đã lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định dự án này. Hiện nay, Hội đồng thẩm định đang tổ chức thực hiện. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Nhà nước phải đáp ứng tiến độ thẩm định để báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

Liên quan đến tiến độ thi công nhà ga T3 CHK Tân Sơn Nhất, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho hay, ACV đã báo cáo cụ thể với Bộ GTVT và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN đặt ra tiến độ 37 tháng kể từ khi ACV được phê duyệt chủ trương bàn giao dự án nhà ga T3 CHK Tân Sơn Nhất, trong đó, thời gian thi công là 24 tháng. Thời gian còn lại dành cho công tác thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, triển khai các khâu đấu thầu lựa chọn tư vấn, giám sát, đơn vị thi công.

Về vấn đề nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài, theo ông Thanh, đường băng của Việt Nam hiện nay là tài sản của Nhà nước, việc quản lý, đầu tư nâng cấp mở rộng theo Luật Quản lý tài sản công, DN không được ứng vốn hay bỏ tiền vào. Do vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã họp và có định hướng để triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp. Đến nay, với trách nhiệm DN được giao quản lý khai thác, ACV vẫn thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên để duy trì đủ điều kiện khai thác an toàn với đường băng, nhưng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tính toán thời gian khai thác đã đến lúc đầu tư nâng cấp mở rộng, không chỉ có duy tu bảo dưỡng.

“Thời điểm hiện tại, các đơn vị liên quan vẫn đang chờ kết luận của Phó Thủ tướng về định hướng xử lý triệt để vấn đề nâng cấp cả hệ thống đường băng không chỉ ở Tân Sơn Nhất mà ở tất cả 21 CHK của cả nước”, ông Thanh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.