Hạ tầng

Bộ GTVT và Ban Kinh tế Trung ương thảo luận về dự án đường sắt tốc độ cao

04/04/2019, 19:04

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát thống nhất chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị.

img
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại cuộc họp

Chiều nay (4/4), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp thảo luận nội dung nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam để hoàn thiện báo cáo trước khi trình Bộ Chính trị xem xét.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin các nội dung cốt lõi của nghiên cứu dự án, trao đổi những vấn đề mà đơn vị tư vấn, tổ phối hợp công tác của 2 cơ quan chưa báo cáo, làm rõ. “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đề nghị Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước về nghiên cứu dự án và sẽ được trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư.

Quá trình nghiên cứu dự án, Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến của nhiều nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương. Bộ GTVT mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia góp ý, phản biện của Ban Kinh tế Trung ương để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu trình Bộ Chính trị, Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

img
Một mẫu tàu đường sắt tốc độ cao của thế giới

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát ghi nhận Bộ GTVT có nhiều nỗ lực nghiên cứu, đưa ra các đề xuất quan trọng để phát triển GTVT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.

“Ban Kinh tế Trung ương hoan nghênh Bộ GTVT cung cấp, trao đổi và thảo luận về nghiên cứu tiền khả thi dự án, cùng phối hợp làm rõ các nội dung để báo cáo Bộ Chính trị. Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ, góp ý trực tiếp với Bộ GTVT trong việc hoàn thiện báo cáo, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, ông Cao Đức Phát nói và góp ý, thảo luận một số nội dung, vấn đề lớn của dự án cần được đề cập trong báo cáo nghiên cứu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát thống nhất chỉ đạo các đơn vị tham mưu, tổ công tác của hai cơ quan khẩn trương hoàn thành để trình Bộ Chính trị báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27 ngày 17/9/2018 của Bộ Chính về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam và đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

img
Đại diện Liên danh tư vấn báo cáo kết quả nghiên cứu dự án

Theo nội dung nghiên cứu tiền khả thi dự án được Bộ GTVT trình Thủ tướng vào tháng 2/2019, dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp đầu tư dự án.

Tổng chiều dài dự án khoảng 1.559km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, 14km tại Hà Nội đi chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến ga Ngọc Hồi), còn 1.545km đi từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm; có 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.

Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách. Dự án có tổng mức đầu tư 1.334.459 tỷ đồng (58,71 tỷ USD).

Dự án được chia thành 2 giai đoạn xây dựng: giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 561,6 nghìn tỷ đồng (24,71 tỷ USD), giai đoạn 2 là 772,6 nghìn tỷ đồng (34 tỷ USD). Thời gian thực hiện dự kiến như sau: 2020-2032 nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM; giai đoạn 2 dự kiến từ 2032 - 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.

Về tác động nền kinh tế, với phương án sử dụng 100% vốn trong nước, giá trị đầu tư hàng năm trong giai đoạn 1 tối đa chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 tối đa 0,55% GDP. Trường hợp 100% vốn đi vay, với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, dự án không làm vượt trần nợ công 65% theo quy định trong suốt hai giai đoạn đầu tư dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.