Đề án Trợ giúp giao thông người khuyết tật nhằm hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân |
Ông Phan Văn Cường, Phó giám đốc Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, việc thực hiện Đề án là triển khai kế hoạch hành động của Bộ GTVT về trợ giúp người khuyết tật tham gia giao thông. Nội dung Đề án gồm 3 hoạt động chính: Rà soát, sửa đổi các văn bản, quy phạm pháp luật về giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật; Triển khai lắp đặt thiết bị hỗ trợ người khuyết tật trên phương tiện giao thông công cộng như xe buýt; Xây dựng tài liệu tuyên truyền hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn GTVT về hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông.
Theo ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Phát triển giao thông đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm đề án, mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng trong hoạt động GTVT cũng như hoạt động KTXH. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 phải đảm bảo tối thiểu 80% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được tiếp cận kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng. Vì thế, nội dung thực hiện đề án bao gồm 4 hoạt động: Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về giao thông tiếp cận để người khuyết tật có thể tiếp cận, sử dụng; Xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các loại xe vận tải hành khách công cộng để người khuyết tật tham gia giao thông; Xây dựng các chương trình, giáo trình, tài liệu và tập huấn cho lái xe phục vụ hành khách là người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông; Hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thử nghiệm thiết bị, công cụ và phương tiện giao thông để người khuyết tật tham gia giao thông.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận nhiều nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đối với người khuyết tật, thực trạng và các giải pháp nhằm hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, của CBCNV ngành GTVT nói chung, nhân viên phục vụ ngành GTVT nói riêng về vấn đề này.
“Đừng đối xử trên tinh thần ưu tiên người khuyết tật, chúng tôi là thành viên của cộng đồng vì vậy cần được đối xử bình đẳng”, bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sống độc lập người khuyết tật Hà Nội nói và cho rằng, khi xây dựng chính sách hay các nội dung hỗ trợ người khuyết tật nên có sự tham gia của hội người khuyết tật vì chỉ người khuyết tật mới biết chính xác điều gì hỗ trợ họ hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận